Giá trị của sinh thiết trong chẩn đoán các bệnh ung thư

Ngày 26/09/2022

Theo số liệu của tổ chức ung thư toàn cầu (GLOBACAN) năm 2020, số ca ung thư mắc mới được ghi nhận trên thế giới là khoảng 20 triệu ca và tại Việt Nam là gần 200.000 ca, một con số đáng báo động. Do đó, việc chẩn đoán chính xác, phát hiện sớm ung thư đóng vai trò tiên quyết trong việc điều trị và làm tăng tỷ lệ sống. Hiện nay, sinh thiết được coi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán hầu hết các bệnh ung thư.

1. Sinh thiết có thể chẩn đoán được những loại ung thư nào?

Sinh thiết là thủ thuật lấy một phần hoặc toàn bộ tổn thương gửi tới các bác sĩ giải phẫu bệnh để làm xét nghiệm chẩn đoán bệnh. Sinh thiết được chỉ định thực hiện khi một tổn thương hoặc một khối u chưa xác định được bản chất hoặc có nguy cơ ác tính. Hầu hết các cơ quan trong cơ thể có thể thực hiện được thủ thuật này. Tuy nhiên, với từng vị trí của khối u và từng cơ quan bộ phận khác nhau sẽ có phương pháp sinh thiết phù hợp. Với sự phát triển của lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, sinh thiết dưới hướng dẫn của siêu âm, cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ ngày càng được ứng dụng rộng rãi giúp theo dõi được quá trình sinh thiết, lấy được tổn thương nghi ngờ nhất.

Sinh thiết chẩn đoán ung thư vú dưới hướng dẫn của siêu âm

Các kỹ thuật sinh thiết thường dùng ngày nay gồm có:

- Sinh thiết nạo: trong kỹ thuật này, bác sĩ sẽ lấy tế bào từ bề mặt của cơ quan tổn thương. Kỹ thuật này thường được sử dụng trong tầm soát ung thư cổ tử cung, gọi là phết tế bào cổ tử cung (Pap smear).

-.Sinh thiết bấm: kỹ thuật này sử dụng một dụng cụ hình tròn dạng chiếc bút bấm lấy một mảnh tổn thương từ 2-5mm, thường được sử dụng trong sinh thiết da để chẩn đoán ung thư da.

-.Sinh thiết kim: gồm có sinh thiết kim nhỏ và sinh thiết kim lõi. Sinh thiết kim nhỏ hay chọc hút tế bào bằng kim nhỏ: là xét nghiệm dùng một cây kim nhỏ như kim lấy máu, hút ra một ít dịch hoặc chất từ tổn thương để làm xét nghiệm tế bào dưới kính hiển vi, thường dùng cho các tổn thương nằm nông như ung thư tuyến giáp, tuyến vú. Sinh thiết kim lõi: là thủ thuật dùng cây kim lớn hơn đưa qua da vào tổn thương, bấm lấy một hoặc vài mảnh để xét nghiệm mô bệnh học. Thủ thuật này có những ưu điểm so với sinh thiết kim nhỏ như: lấy được mẫu bệnh phẩm nhiều hơn, chẩn đoán các thể, giai đoạn ung thư chính xác hơn tuy nhiên nguy cơ tai biến cao hơn. Thủ thuật này được sử dụng cho rất nhiều các loại u trong cơ thể như ung thư phổi, gan, thận, vú, tiền liệt tuyến, cơ, phần mềm ….Sinh thiết kim là loại sinh thiết được làm nhiều nhất hiện nay, đặc biệt là dưới sự hướng dẫn của siêu âm.

- Sinh thiết qua nội soi: được sử dụng chủ yếu trong chẩn đoán ung thư đường tiêu hóa: thực quản, dạ dày, đại tràng,…Một ống soi nhỏ, linh hoạt có gắn camera để theo dõi được bất kỳ đoạn ống tiêu hóa nào và dừng lại để tiến hành bấm sinh thiết khi gặp tổn thương.

- Sinh thiết tủy xương: thường lấy ở xương chậu, giúp chẩn đoán các bệnh về máu như ung thư máu, rối loạn tạo máu,…

- Sinh thiết cắt bỏ, thường kết hợp với hút chân không: là thủ thuật lấy toàn bộ khối u mang đi làm xét nghiệm giải phẫu bệnh. Đây là thủ thuật vừa có tác dụng chẩn đoán vừa để điều trị khối u lành tính, nhất là đối với các khối u vú.

- Sinh thiết mở: là quá trình lấy bỏ toàn bộ khối u kèm một phần nhu mô xung quanh để làm xét nghiệm giải phẫu bệnh học, thường khi các tổn thương trên sinh thiết kim nghi ngờ ác tính như ung thư hạch, phần mềm

- Sinh thiết tức thì trong mổ (sinh thiết lạnh) là trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ lấy một phần khối u đi làm xét nghiệm nhanh xem tổn thương là lành tính hay ác tính để có hướng xử trí tiếp theo.

Sau khi sinh thiết, mẫu bệnh phẩm được nhuộm và soi dưới kính hiển vi tìm tế bào ung thư

2. Sinh thiết có nguy cơ gì?

Nhìn chung, các thủ thuật sinh thiết thường ít khi có tai biến. Một số biến chứng có thể xảy ra trong và sau quá trình thực hiện thủ thuật như: đau, chảy máu, nhiễm trùng, tổn thương cơ quan lành lân cận, dị ứng thuốc tê, …Tuy nhiên, các biến chứng này hoàn toàn có thể giảm thiểu và khắc phục được, nhất là với những bác sĩ có kinh nghiệm và chuyên môn cao, bệnh nhân được thăm khám kỹ càng, làm xét nghiệm đầy đủ trước khi thực hiện thủ thuật.

3. Làm gì sau khi có kết quả sinh thiết?

Thông thường, kết quả sinh thiết thường được trả sau 2-5 ngày. Trong hầu hết các trường hợp, sinh thiết là “tiêu chuẩn vàng” chẩn đoán ung thư và để bác sĩ có bằng chứng thực hiện điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên trong số ít các trường hợp, kết quả sinh thiết không có sự tương hợp với nhận định của bác sĩ lâm sàng và bác sĩ chẩn đoán hình ảnh. Trong những trường hợp đó, các bác sĩ sẽ cần phải xem xét, có thể phải sinh thiết lại hoặc sinh thiết rộng hơn để lấy mẫu bệnh phẩm lớn hơn mới có thể chẩn đoán chính xác được bệnh.

Máy chụp cắt lớp vi tính 128 dãy hiện đại tại bệnh viện đa khoa MEDLATEC

Hiện nay, hệ thống bệnh viện- phòng khám đa khoa MEDLATEC quy tụ các chuyên gia hàng đầu đến từ các chuyên ngành khác nhau: PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Ths.BSNT Đào Danh Vĩnh chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh; PGS Hoàng Thị Phượng chuyên ngành hô hấp và bệnh phổi, PGS Nguyễn Mai Hồng chuyên ngành cơ xương khớp, PGS Nguyễn Thị Vân Hồng chuyên ngành tiêu hóa- gan mật,…Không những thế, các cơ sở của hệ thống MEDLATEC trên khắp cả nước được trang bị các máy siêu âm thế hệ mới, máy cắt lớp vi tính đa dãy hiện đại, là công cụ đắc lực trợ giúp các bác sĩ thực hiện thủ thuật sinh thiết một cách an toàn và hiệu quả nhất. Quý khách hàng không may phát hiện khối u trong cơ thể hãy đến với hệ thống y tế MEDLATEC để được chăm sóc, tư vấn, hướng dẫn làm các xét nghiệm chuyên sâu, trong đó có xét nghiệm sinh thiết để được chẩn đoán chính xác, điều trị kịp thời.

ThS.BSNT Triệu Quang Tĩnh


Bài viết cùng chuyên mục