Khi nào thì chỉ định đo chức năng hô hấp và khi đo cần lưu ý những gì?

Ngày 27/09/2022

Đo chức năng hô hấp là phương pháp giúp tầm soát và theo dõi các bệnh lý liên quan đến hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD, hen suyễn, bệnh phổi hạn chế,... Vậy tình huống cần chỉ định đo chức năng hô hấp là khi nào và các bước thực hiện là gì sẽ được giải đáp qua những thông tin dưới đây.

1. Khái niệm đo chức năng hô hấp 

Phổi là cơ quan có nhiệm vụ trao đổi khí, khuếch tán và thông khí. bên cạnh 3 chức năng chính này, phổi còn đóng vai trò dự trữ, thanh thải máu, chuyển hóa và cân bằng kiềm toan. Đo chức năng hô hấp sẽ đánh giá được nhiều chỉ số về các thể tích hô hấp (TV, IRV, ERV, RV,...), các dung tích hô hấp (VC, FVC, IC,...) và các lưu lượng thở (FEV1, PEF, FEF 25-75, FEF 25-75%). 

Một số rối loạn chức năng hô hấp thường gặp đó là:

- Rối loạn thông khí tắc nghẽn;

- Rối loạn thông khí hạn chế;

- Rối loạn thông khí hỗn hợp. 

Đo chức năng hô hấp được vận hành bằng máy đo dòng khí khi thở ra, hít vào, qua đó giúp tính toán các chỉ số quan trọng để kiểm tra chức năng phổi. Bên cạnh đó, kỹ thuật này thường được vận dụng trong hoạt động chẩn đoán, đánh giá và theo dõi giai đoạn tiến triển, mức độ nghiêm trọng của các bệnh lý về đường hô hấp, đặc biệt là 2 hội chứng điển hình về rối loạn thông khí (hội chứng hạn chế và tắc nghẽn).

Đo chức năng hô hấp giúp đánh giá các chỉ số quan trọng về chức năng hô hấp

Đo chức năng hô hấp giúp đánh giá các chỉ số quan trọng về chức năng hô hấp

Các chỉ số thu được sau khi đo chức năng thông khí không chỉ tiết lộ chính xác các thông tin về lưu lượng không khí tuần hoàn trong phổi và phế quản, mà còn có giá trị trong việc kiểm tra tính chất nghiêm trọng của tình trạng giãn phế nang cũng như độ tắc nghẽn của phế quản.

Đo chức năng hô hấp sẽ cho ra kết quả dưới hình thức số và phần trăm. Những trị số này sẽ được biểu thị bằng đường cong lưu lượng thể tích. Sở dĩ có tên gọi này là vì đường cong đó sẽ được áp lên 2 trục, một trục phản ánh các số đo về lưu lượng khí lưu thông, trục còn lại là thể tích khí trong phổi.

Phương pháp đo chức năng hô hấp được tiến hành khá đơn giản, không làm bệnh nhân khó chịu, đau đớn và nguy cơ tai biến là dường như không có.

2. Khi nào thì cần chỉ định đo chức năng hô hấp cho bệnh nhân? 

2.1. Các chẩn đoán cần thiết

- Dựa trên kết quả xét nghiệm kết hợp với các biểu hiện lâm sàng như thở khó, khò khè, dị dạng lồng ngực, ho đờm - ho khan kéo dài,... để kiểm tra và chẩn đoán bệnh lý đường hô hấp ;

- Đánh giá các triệu chứng bất thường nghi ngờ do bệnh hô hấp gây nên;

- Sàng lọc các ca bệnh có nguy cơ cao mắc bệnh phổi;

- Đánh giá mức độ ảnh hưởng của bệnh đối với chức năng của phổi;

- Tiên lượng khả năng hồi phục sau phẫu thuật;

- Đánh giá thể chất khi thực hiện nghiệm pháp gắng sức.

2.2. Theo dõi và đánh giá diễn tiến của bệnh, ước lượng khả năng đáp ứng điều trị của bệnh nhân

- Theo dõi các yếu tố: chức năng thông khí phổi bị ảnh hưởng như thế nào từ bệnh, các yếu tố nguy cơ tác động như thế nào đến phổi, phản ứng phụ sau khi dùng thuốc;

- Đánh giá: mức độ bệnh, mức độ thương tật, khả năng hồi phục khi tham gia chương trình vật lý trị liệu.

3. Đo chức năng hô hấp không được áp dụng đối với trường hợp nào? 

Chống chỉ định thực hiện đo chức năng hô hấp với những bệnh nhân đang gặp phải tình trạng như sau:

- Đau ngực hoặc ho ra máu nhưng không rõ nguyên nhân;

- Nhiễm trùng đường hô hấp cấp, tràn khí màng phổi;

- Nhồi máu cơ tim, tim mạch bất ổn định (bị thuyên tắc phổi hoặc mới bị nhồi máu cơ tim);

- Trải qua phẫu thuật bụng, ngực, mắt dưới 3 - 6 tháng;

Bệnh nhân bị đau ngực hoặc có những biểu hiện bất thường khác nên trì hoãn thực hiện đo chức năng hô hấp

Bệnh nhân bị đau ngực hoặc có những biểu hiện bất thường khác nên trì hoãn thực hiện đo chức năng hô hấp

- Phình động mạch chủ bụng, ngực;

- Vừa trải qua đợt hen suyễn, đợt cấp của COPD dưới 6 tuần;

- Đang gặp phải những biểu hiện cấp tính như tiêu chảy, nôn ói;

- Ngực đau thắt trong 24 giờ;

- Bệnh nhân bị rối loạn thần kinh và không hợp tác khi thực hiện đo chức năng hô hấp.

4. Cách đo chức năng hô hấp

- Cần giải thích đầy đủ cho bệnh nhân về kỹ thuật đo chức năng hô hấp. Người bệnh cần được mặc quần áo thoải mái và không dùng các thuốc có tác dụng làm giãn phế quản trước khi đo.

- Trước khi tiến hành bệnh nhân cần được đo chiều cao, cân nặng và nghỉ ngơi, tuyệt đối không sử dụng chất kích thích;

- Hướng dẫn người bệnh về động tác cần thực hiện khi đo, làm mẫu trước cho bệnh nhân và khuyến khích bệnh nhân có thể tập thử. Khi đo cần để bệnh nhân giữ tư thế thả lỏng, thoải mái, ngậm kín ống thở, kẹp mũi để đảm bảo phổi và máy tạo thành một hệ thống ống kín.

- Để đo chức năng thông khí ở phổi, bác sĩ sẽ áp dụng các thông số FVC và FEV1. Đây là các thông số có tác dụng kiểm tra chức năng hoạt động của phổi bệnh nhân.

2 động tác chính bệnh nhân sẽ cần phải thực hiện khi đo chức năng hô hấp đó là:

- Động tác thứ nhất: ban đầu hít vào thở ra một cách bình thường, tiếp theo là hít sâu và thở sâu, cả hít và thở đều làm thật hết sức;

- Động tác thứ hai: tương tự hít vào thở ra như bình thường, tiếp theo là hít vào hết sức nhưng thở ra thật nhanh và mạnh hết sức. Sau đó tiếp tục thở ra trong ít nhất 6 giây.

Mô phỏng phương thức đo chức năng hô hấp

Mô phỏng phương thức đo chức năng hô hấp

Một số lưu ý trong việc đo chức năng hô hấp:

- Trong khoảng thời gian 6 giờ trước khi đo chức năng hô hấp, cần ngừng sử dụng các loại thuốc chẹn beta adrenergic và thuốc giãn phế quản;

- Trước khi đo đã ăn no được khoảng 2 giờ;

- Nếu trước khi đo đã dùng đồ uống có cồn thì cần hoãn 4 tiếng sau mới đo;

- Trong trường hợp vừa hút thuốc lá thì hoãn 1 tiếng sau thì đo. Tốt hơn hết bệnh nhân nên kiêng hút thuốc trong 24 giờ trước khi đo chức năng hô hấp.

Trên đây là những thông tin cần biết về kỹ thuật đo chức năng hô hấp. Nếu quý khách hàng có nhu cầu sử dụng các dịch vụ thăm khám cũng như đo chức năng hô hấp tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, hãy liên hệ ngay với Tổng đài 1900 56 56 56 để được tư vấn chi tiết và đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa.

BSCK I Vũ Thanh Tuấn


Bài viết cùng chuyên mục