Chụp cộng hưởng tử phổ não - Những điều cần biết

Ngày 28/08/2023

Chụp cộng hưởng từ (Magnetic Resonance Imaging- MRI) là kỹ thuật hiện đại trong chẩn đoán các bệnh lý về sọ não nhờ cung cấp những hình ảnh sắc nét, có độ phân giải rất cao về mặt giải phẫu và hình thái tổn thương. Trong khi đó, cộng hưởng từ phổ ( Magnetic Resonance Spectroscopy- MRS) được phát triển trong những năm gần đây được coi là một trong những kỹ thuật tiên tiến nhất.

1. Cách tạo ảnh cộng hưởng từ

Cộng hưởng từ là kỹ thuật tạo ảnh được ứng dụng trong y học từ những năm 80 của thế kỷ trước. Hình ảnh cộng hưởng từ đầu tiên được tạo ra bởi một giáo sư người Mỹ năm 1983. Từ đó đến nay, cộng hưởng từ đã phát triển nhanh chóng cả về số lượng, chất lượng hình ảnh và được áp dụng rộng rãi trong y học hiện đại.

Mô hình cấu tạo máy chụp cộng hưởng từ

Cơ thể chúng ta có tỉ lệ chủ yếu là nước (60-70%). Trong thành phần của phân tử nước có hai nguyên tử hydro. Nếu ta dựa vào hoạt động từ của các nguyên tử hydro để ghi nhận sự phân bố nước khác nhau của các cơ quan trong cơ thể thì chúng ta có thể ghi hình và phân biệt được các cơ quan đó. Mặt khác, trong cùng một cơ quan, các tổn thương bệnh lý đều dẫn đến sự thay đổi phân bố nước tại vị trí tổn thương, dẫn đến hoạt động từ tại đó sẽ thay đổi so với mô lành, nên ta cũng sẽ ghi hình được các thương tổn. Ứng dụng nguyên lý này, máy chụp MRI sử dụng một từ trường mạnh và một hệ thống phát các xung có tần số vô tuyến (RF: radio frequancy) vào cơ thể bệnh nhân rồi thu lại chúng. Năng lượng do các nguyên tử phát ra trong từ trường sẽ gửi tín hiệu đến máy tính. Sau đó, máy tính sử dụng các công thức toán học để chuyển đổi tín hiệu thành hình ảnh.

Cộng hưởng từ phổ được thực hiện trên cùng một máy như cộng hưởng từ thông thường. Cộng hưởng từ phổ được thêm vào quá trình chụp cộng hưởng từ để đo sự chuyển hóa hóa học của một tổn thương nghi ngờ. Có một số chất chuyển hóa khác nhau, hoặc sản phẩm của quá trình trao đổi chất, có thể được đo lường để phân biệt giữa các loại tổn thương: N-acetyl aspartate (NAA), Choline (Cho), Creatine (Cr), Myoinositol (Mi), Lactate (Lac), Lipid (Lip),…Tần suất của các chất chuyển hóa này được đo bằng đơn vị gọi là phần triệu (ppm) và được vẽ trên biểu đồ dưới dạng các đỉnh có độ cao thay đổi. Bằng cách đo ppm của từng chất chuyển hóa và so sánh với mô não bình thường, các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh và thần kinh học có thể xác định được loại tổn thương.

Trong quá trình chụp cộng hưởng từ, bạn sẽ nằm trên một chiếc bàn có thể di chuyển được. Một thiết bị được gọi là "coil" sẽ được đặt trên hoặc xung quanh bộ phận cơ thể cần chụp. Mỗi bộ phận sẽ có 1 coil chuyên dụng khác nhau để tạo ra được hình ảnh sắc nét nhất. Bạn có thể được tiêm thuốc cản quang (gadolinium) qua đường tiêm tĩnh mạch để nâng cao chất lượng hình ảnh và đánh giá sự ngấm thuốc của tổn thương.

Vì phương pháp cộng hưởng từ phổ cần đo nồng độ các chất chuyển hóa trong tổn thương nên có thể mất nhiều thời gian hơn một chút so với chụp MRI thông thường. Cả chụp cộng hưởng từ và cộng hưởng từ phổ đều rất an toàn, không gây nhiễm tia xạ nhưng điều quan trọng là bạn phải thư giãn và nằm càng yên càng tốt. Bất kỳ chuyển động nào trong thời gian chụp sẽ làm nhiễu ảnh.

2. Ứng dụng của cộng hưởng từ phổ trong y học

Ngày nay, cộng hưởng từ phổ chủ yếu sử dụng để chẩn đoán và phân biệt các bệnh lý trong não như: u, viêm, apxe, …cũng như đánh giá sau điều trị các tổn thương não.

Phân biệt hoại tử do xạ trị và khối u tái phát

Xạ trị được sử dụng để điều trị nhiều khối u do gây thiếu máu và hoại tử tế bào u. Thật không may, trên các hình ảnh cộng hưởng từ thường quy, sự xuất hiện của hoại tử do xạ trị thường không thể phân biệt được với khối u tái phát. Việc phân biệt hai tổn thương này là rất quan trọng vì chiến lược điều trị của chúng khác nhau. Cộng hưởng từ phổ là kỹ thuật hữu ích giúp phân biệt hai loại tổn thương này. Trong khi u tái phát có sự tăng Cho, giảm NAA, thì vùng hoại tử sau xạ trị Cho không tăng, NAA không thay đổi hoặc thay đổi rất ít.

Phân biệt apxe và các u hoại tử hoặc u di căn

Mặc dù có nhiều kỹ thuật hình ảnh và phương pháp thăm khám nhưng việc phân biệt apxe với các khối u như u thần kinh đệm bậc cao và u di căn bằng các hình ảnh thông thường trong nhiều trường hợp vẫn còn là một thách thức. Các nghiên cứu đã chứng minh cộng hưởng từ phổ là công cụ đáng tin cậy để phân biệt các thành phần hóa học của áp xe và khối u. Sự phân biệt thành phần của ổ apxe với khối u hoại tử hoặc u nang dựa trên sự hiện diện của nhiều chất chuyển hóa của vi khuẩn (lactat, axetat, succinat, axit amin) trong ổ apxe.

Phân biệt các loại u não

Một số u thường gặp ở não như u thần kinh đệm hoặc u lympho cần phải phân biệt do phương pháp điều trị của chúng hoàn toàn khác nhau. Do đó, cộng hưởng từ phổ ra đời đã giúp ích rất nhiều trong việc phân biệt các khối u này. Trong khi u thần kinh đệm có hình ảnh tăng tỷ lệ Cho/NAA và trong u và vùng xung quanh u thì u lympho có lipid tăng cao và có tỷ lệ Cho/Cr cao hơn u thần kinh đệm.

Hình ảnh cộng hưởng từ phổ trong u thần kinh đệm: tăng Choline, giảm NAA

Đánh giá bậc của u thần kinh đệm

U thần kinh đệm là loại u thường gặp nhất trong não. Theo WHO, u thần kinh đệm được chia thành 4 bậc từ bậc I đến bậc IV dựa vào mức độ ác tính của khối u. Vì vậy, việc xác định chính xác bậc của u thần kinh đệm giúp tiên lượng và đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp. Và cộng hưởng từ phổ tỏ ra là một trong những công cụ tốt nhất giúp phân bậc loại u này. Với u bậc càng cao thì Cho càng tăng, NAA càng giảm và tỷ lệ Cho/NAA tăng rõ rệt.

Máy chụp cộng hưởng từ 1.5T tại Phòng khám MEDLATEC Tây Hồ

Hệ thống y tế MEDLATEC với 3 cơ sở chính ở Hà Nội được trang bị máy cộng hưởng từ hiện đại 1.5T đặt tại số 99 Trích Sài đã thực hiện được hầu hết các kỹ thuật chụp cộng hưởng từ, trong đó có cộng hưởng từ phổ. Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám, chụp cộng hưởng từ có thể đến trực tiếp các cơ sở hoặc đặt lịch qua số hotline 1900565656 để được đội ngũ nhân viên tư vấn một cách tận tình và chu đáo nhất

ThS.BSNT Triệu Quang Tĩnh


Bài viết cùng chuyên mục