Hội chứng rối loạn sinh tủy và những điều cần biết

Ngày 31/08/2023

Bệnh lý rối loạn sinh tủy (MDS) là nhóm rối loạn điển hình bởi giảm các tế bào máu ngoại vi, rối loạn sinh các tiền thân tạo máu, tăng hoặc giảm tế bào tủy xương, người bệnh thường sẽ gặp tình trạng thiếu máu, xanh xao, mệt mỏi. Bệnh nếu được phát hiện và điều trị sớm có thể kiểm soát được bệnh lý và kéo dài thời gian sống cho người bệnh. Chúng ta cùng đi tìm hiểu về bệnh lý rối loạn sinh tủy và những phương pháp chẩn đoán bệnh lý này trong bài viết sau đây.

1. Bệnh lý rối loạn sinh tủy là gì?

Bệnh lý rối loạn sinh tủy (MDS-Myelodysplastic Syndromes) do một số tế bào trong tủy xương bất thường (loạn sản) và gặp vấn đề trong việc tạo ra tế bào máu mới. Các tế bào khiếm khuyết này thường chết sớm hơn các tế bào bình thường, khiến cơ thể không có đủ lượng tế bào máu để nuôi dưỡng các cơ quan. Bệnh lý rối loạn sinh tủy là kết quả của sự bất thường chất xốp bên trong xương, nơi tạo ra các tế bào máu (tủy xương). Đây được coi là một bệnh ung thư máu hiếm gặp, xuất hiện ở nam giới nhiều hơn nữ giới.

Khi tình trạng này tiến triển, tủy xương của người bệnh dần bị thay thế bởi các tế bào máu chưa trưởng thành, khiến số lượng các tế bào bình thường đi vào máu ngày càng thấp, lâu ngày có thể phát triển thành một loại bệnh bạch cầu được gọi là bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính (AML).

Trong bệnh lý MDS, tế bào máu bình thường bị thay thế bởi tế bào máu chưa trưởng thành

2. Nguyên nhân mắc bệnh lý rối loạn sinh tủy

Hầu hết các bệnh lý rối loạn sinh tủy đều không rõ nguyên nhân, một số yếu tố theo các chuyên gia là có khả năng gây bệnh lý này bao gồm:

  • Tuổi: những người trên 60 tuổi có nguy cơ mắc cao hơn, rất hiếm khi những người dưới 40 tuổi mắc MDS.
  • Giới tính: đàn ông dễ bị mắc rối loạn sinh tủy hơn phụ nữ.
  • Hút thuốc: hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc MDS.
  • Điều trị ung thư: khi hóa trị một loại ung thư khác hoặc một loại ung thư máu khác có thể dẫn đến MDS. Rủi ro sẽ tăng lên khi người bệnh kết hợp hóa trị với xạ trị.
  • Môi trường: những người thường xuyên tiếp xúc với bức xạ, hóa chất độc hại và benzen làm tăng nguy cơ mắc bệnh rối loạn sinh tủy.
  • Một số người mắc bệnh di truyền cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn như: giảm bạch cầu bẩm sinh nặng, rối loạn tiểu cầu gia đình, hội chứng Shwachman - Diamond. 

 3. Triệu chứng của bệnh lý rối loạn sinh tủy

Những người mắc hội chứng rối loạn sinh tủy giai đoạn đầu đều không gặp bất kỳ triệu chứng hay biểu hiện nào. Một vài triệu chứng người bệnh có thể gặp khi mắc bệnh đó là:

  • Mệt mỏi, xanh xao, suy nhược cơ thể (do số lượng hồng cầu thấp).
  • Hay bị khó thở, hụt hơi.
  • Dễ bị bầm tím hoặc chảy máu bất thường, chảy máu cam xảy ra do số lượng tiểu cầu trong máu thấp (giảm tiểu cầu).
  • Các đốm đỏ có kích thước nhỏ ngay dưới da do chảy máu (xuất huyết).
  • Nhiễm trùng thường xuyên, xảy ra do số lượng bạch cầu thấp (giảm bạch cầu).

Chảy máu bất thường là biểu hiện hay gặp ở người mắc MDS

4. Các phương pháp chẩn đoán bệnh lý rối loạn sinh tủy 

  • Xét nghiệm máu: giúp bác sĩ biết được số lượng hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu bình thường trong máu.
  • Xét nghiệm tủy xương: bác sĩ sẽ gây tê cục bộ và chọc kim xuyên qua da vào xương (thường là xương hông) để lấy mẫu tế bào tủy xương, sau đó mẫu tế bào được gửi đến phòng xét nghiệm và quan sát trên kính hiển vi.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): giúp nhận biết các dấu hiệu nhiễm trùng hoặc các vùng xơ cứng xương.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): có thể khảo sát các vùng tủy xương không thể tiếp cận được bằng sinh thiết. MRI cũng là phương pháp độc đáo trong việc mô tả đặc điểm tủy xương bình thường và bất thường vì khả năng phân biệt chất béo với các mô khác. Ở những bệnh nhân mắc hội chứng rối loạn sinh tủy (MDS), MRI là một công cụ cực kỳ quan trọng để chẩn đoán và theo dõi bệnh một cách chính xác. 

Hình ảnh chụp MRI cột sống ở người mắc MDS

5. Bệnh rối loạn sinh tủy có chữa được không?

Hiện nay tại Việt Nam cũng như trên thế giới chưa có phương pháp nào có thể chữa khỏi hoàn toàn được rối loạn sinh tủy mà chỉ làm chậm mức độ tiến triển của bệnh, giảm các triệu chứng chảy máu, nhiễm trùng. Các phương pháp điều trị rối loạn sinh tủy thường được sử dụng là:

- Hóa trị: được áp dụng để phá hủy và ngăn chặn các tế bào máu bất thường phát triển trong tủy xương, hoặc đôi khi được sử dụng đối với những người bệnh có nguy cơ cao chuyển sang bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính (AML).

- Ghép tế bào gốc tủy xương: phương pháp này được thực hiện ngay sau hóa trị và đem lại hiệu quả điều trị rất tốt. Các tế bào máu bất thường sẽ được thay thế bằng các tế bào khỏe mạnh từ người hiến tặng, thông thường việc cấy ghép tế bào gốc chỉ được thực hiện ở những người còn trẻ và sức khỏe tốt do đây là phương pháp điều trị cực kỳ chuyên sâu.

- Dùng thuốc: các loại thuốc giúp sản sinh các tế bào máu khỏe mạnh, thuốc ức chế miễn dịch, kháng sinh để điều trị nhiễm trùng,...

- Truyền máu: người mắc rối loạn sinh tủy cần truyền máu liên tục để bổ sung số lượng hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu cần thiết cho cơ thể, việc truyền máu kéo dài gây thừa sắt trong máu nên người bệnh cần sử dụng thêm một số loại thuốc loại bỏ lượng sắt dư thừa này.

Máy chụp Cộng hưởng từ 1.5 Tesla tại Hệ thống Y tế MEDLATEC

Bệnh lý rối loạn sinh tủy (MDS-Myelodysplastic Syndromes) được coi là một loại ung thư máu rất khó phát hiện và điều trị, bệnh tiến triển chậm và gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm cho người mắc. Người bệnh khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ bệnh lý có thể đến ngay các cơ sở khám chữa bệnh chất lượng cao của Medlatec tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác (Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa,...) để được trải nghiệm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất hiện nay. Tại hệ thống MEDLATEC đã trang bị đầy đủ hệ thống máy chụp MSCT đa dãy và máy chụp cộng hưởng từ 1.5Tesla hiện đại của Mỹ, giúp ích rất nhiều trong tầm soát và chẩn đoán nhiều bệnh lý khác nhau. Người bệnh có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được tư vấn và đặt lịch khám.

Các cơ sở khám chữa bệnh chất lượng cao của Medlatec tại Hà Nội:

Cơ sở 1: 42-44 Nghĩa Dũng, Ba Đình, Hà Nội

Cơ sở 2: 99 Trích Sài, Tây Hồ, Hà Nội.

Cơ sở 3: 5 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội

Cơ sở 4: 2/82 Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội

KTV Nguyễn Thành Lộc


Bài viết cùng chuyên mục