Sinh thiết màng hoạt dịch dưới hướng dẫn siêu âm
Sinh thiết màng hoạt dịch dưới hướng dẫn siêu âm là một thủ thuật can thiệp cơ xương khớp được sử dụng ngày càng nhiều với hiệu quả chẩn đoán cao. Bài viết này cung cấp cho bạn đọc các thông tin về cấu trúc màng hoạt dịch, các chỉ định, kỹ thuật và ứng dụng lâm sàng của thủ thuật này.
1. Màng hoạt dịch là gì?
Màng hoạt dịch (bao hoạt dịch) là một lớp màng đệm mỏng nằm phía trong các khớp động, bao gân, tiết chất nhầy gọi là dịch khớp (hoạt dịch). Dịch khớp giúp khớp vận động dễ dàng, đồng thời cung cấp dinh dưỡng cho tế bào sụn khớp. Màng hoạt dịch có màu hồng, mịn và sáng.
Vì màng hoạt dịch mà mô hoạt động sinh học trong các khớp hoạt dịch, nên nó là mô được chọn để tìm hiểu về bệnh lý khớp. Sinh thiết màng hoạt dịch có thể được thực hiện qua phẫu thuật mở, qua nội soi khớp hoặc dưới hướng dẫn siêu âm.
Sinh thiết màng hoạt dịch dưới hướng dẫn siêu âm ngày càng phổ biến do mang lại nhiều ưu điểm hơn so với sinh thiết qua nội soi.
2. Chỉ định sinh thiết màng hoạt dịch?
Sinh thiết màng hoạt dịch được chỉ định để xác định nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của dày hoặc tăng sinh màng hoạt dịch. Với các trường hợp không có dày màng hoạt dịch thì không có chỉ định sinh thiết. Kỹ thuật này thường được thực hiện để xác định nguyên nhân gây ra dày lan tỏa hoặc khu trú màng hoạt dịch, trong đó có ba nguyên nhân chính: u hoạt dịch, nhiễm trùng màng hoạt dịch và viêm bao hoạt dịch.
Các khối u hoạt dịch thường gặp là viêm màng hoạt dịch thể lông nốt sắc tố, viêm màng hoạt dịch thể nốt khu trú hoặc u sụn màng hoạt dịch. Các khối u ít gặp hơn như u máu, u mỡ màng hoạt dịch, u lympho, sarcoma màng hoạt dịch.
Tác nhân vi sinh vật thường gặp nhất gây nhiễm trùng khớp là tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus), đây là tác nhân gây ra phần lớn các trường hợp nhiễm trùng khớp cấp tính ở người lớn và trẻ em trên 2 tuổi, chiếm 80% trường hợp nhiễm trùng ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp. Vi khuẩn lậu (Neisseria gonorrhoeae) là nguyên nhân thường gặp gây viêm khớp ở người trưởng thành có thói quen sinh hoạt tình dục không an toàn. Nhiễm trùng do trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa) thường liên quan đến việc lạm dụng thuốc tiêm tĩnh mạch. Ngoài ra còn gặp các loại vi khuẩn liên cầu như Streptoccocus viridans, Streptoccocus pneumonia và Streptococci Nhóm B.
Nhiễm trùng khớp thường biểu hiện bằng tràn dịch khớp và dày màng hoạt dịch ở mức độ nhẹ đến trung bình. Với những bệnh nhân có tràn dịch mức độ nhiều, chọc hút dịch khớp xét nghiệm thường đủ để chẩn đoán xác định. Do đó, sinh thiết màng hoạt dịch được chỉ định ở nhóm bệnh nhân nghi nhiễm trùng khớp nhưng có ít hoặc không thấy dịch khớp trên siêu âm.
3. Kỹ thuật sinh thiết màng hoạt dịch dưới hướng dẫn siêu âm
Chuẩn bị
Sinh thiết màng hoạt dịch bằng kim sinh thiết lõi được thực hiện dưới gây tê tại chỗ. Bệnh nhân cần được giải thích về kỹ thuật và các nguy cơ khi tiến hành thủ thuật. Trước khi sinh thiết, cần xác định vị trí màng hoạt dịch dày nhất dưới siêu âm. Đầu dò siêu âm được lựa chọn là đầu dò phẳng tần số 12-17Mhz (khớp háng thường dùng đầu dò 5-9Mhz), bọc vô khuẩn. Bề mặt da vị trí sinh thiết không bị nhiễm trùng, được sát khuẩn nhiều lần bằng cồn iod. Sau đó, gây tê tại chỗ từng lớp bằng Lidocainn 1% dưới hướng dẫn siêu âm.
Bộ dụng cụ sinh thiết màng hoạt dịch: Kim sinh thiết tru-cut, kim dẫn đường, dao mổ để rạch da, bơm tiêm 22G gây tê.
Sinh thiết
Kỹ thuật sinh thiết lõi màng hoạt dịch dưới hướng dẫn siêu âm cũng tương tự như các khối u mô mềm ngoài khớp khác. Đối với các khớp lớn và vừa, kim dẫn đường được sử dụng kết hợp với kim sinh thiết để tạo điều kiện lấy nhiều lõi sinh thiết thông qua một đường vào da duy nhất. Bác sĩ thực hiện chọn lựa kích thước kim dẫn đường và đường đi của kim dưới hướng dẫn siêu âm sau khi xem xét độ dày của màng hoạt dịch và hướng tiếp cận. Thường dùng kim 16G. Đối với các khớp nhỏ hơn (như khớp khuỷu, khớp cổ tay..), có thể sử dụng kim sinh thiết tru-cut 16G mà không dùng kim dẫn đường, do tại các khớp này, khoảng cách từ da đến khớp quá ngắn.
Sinh thiết màng hoạt dịch bằng kim tru-cut sử dụng kết hợp kim dẫn đường (đã tháo trocar) dưới hướng dẫn siêu âm.
Số lượng lõi mẫu
Thông thường sẽ lấy tối thiểu 03 mẫu để làm xét nghiệm mô bệnh học và/hoặc vi sinh. Số lõi mẫu lấy ra cũng phụ thuộc vào chẩn đoán sơ bộ, tình trạng bệnh nhân hoặc số lượng chỉ định xét nghiệm. Nên lấy các mẫu ở các khu vực khác nhau của màng hoạt dịch hơn là tại cùng một vị trí. Nếu nghi ngờ viêm khớp nhiễm trùng, cần chọc hút dịch trước khi tiến hành sinh thiết.
Hình ảnh sinh thiết màng hoạt dịch khớp vai dưới hướng dẫn siêu âm
Xét nghiệm
Dịch khớp được hút trước khi sinh thiết cần được xét nghiệm vi sinh, tế bào học, và/hoặc tìm tinh thể urat. Các mẫu sinh thiết làm xét nghiệm mô bệnh học được cố định trong dung dịch formol. Các mẫu xét nghiệm vi sinh được cố định trong một ống vô trùng với lượng nhỏ nước muối. Các mẫu tìm tinh thể không cần thêm dung dịch khác để tránh hòa tan tinh thể.
4. Tai biến và biến chứng của thủ thuật
Các nghiên cứu ghi nhận đau khớp nhẹ sau thủ thuật là biến chứng thường gặp nhất, tất cả đều khỏi trong vòng 24 giờ chỉ với thuốc giảm đau đơn giản. Không có biến chứng sớm hay muộn đáng kể nào về nhiễm trùng khớp, tổn thương mạch máu, thần kinh được báo cáo. Đây được coi là thủ thuật an toàn, có thể áp dụng cho hầu hết bệnh nhân, kể cả các trường hợp cao tuổi.
Sinh thiết màng hoạt dịch dưới hướng dẫn siêu âm là một thủ thuật an toàn mang lại nhiều ưu điểm so với phương pháp cắt qua nội soi, giúp nhận diện được các khối u hoạt dịch hiệu quả, loại trừ nhiễm khuẩn khớp ở những bệnh nhân tràn dịch khớp mức độ ít hoặc không tràn dịch khớp cũng như cung cấp bệnh phẩm để phân loại mô học của viêm bao hoạt dịch, do vậy kỹ thuật này được khuyến khích sử dụng trên lâm sàng.
Trên đây là thông tin cơ bản của quy trình sinh thiết màng hoạt dịch dưới hướng dẫn siêu âm mà bạn cần biết. Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC là một trong số các cơ sở y tế tư nhân có thể thực hiện phương pháp phương pháp này với hệ thống máy hiện đại và đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn.
Để tìm hiểu kĩ hơn, bạn có thể gọi đến tổng đài 1900 565656 để được chúng tôi tư vấn tận tình.
BS Nguyễn Thạch Thảo