Siêu âm tim và siêu âm tim thai là gì?
Tim là một trong những cơ quan quan trọng nhất của cơ thể, những bệnh lý liên quan đến tim thường rất nguy hiểm, vì vậy việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giảm bớt được tính nghiêm trọng của các bệnh này. Một trong những phương pháp để phát hiện những bệnh về tim là siêu âm tim. Đây là phương pháp đơn giản nhất để quan sát những hoạt động của tim
1. Siêu âm tim là gì?
Siêu âm tim là một kỹ thuật dùng sóng siêu âm có tần số cao để thấy những hình ảnh về tim cũng như là các cấu trúc khác có liên quan đến tim. Từ các hình ảnh này, bác sĩ có thể xác định được kích thước, chức năng của các buồng tim cũng như nghiên cứu sự chuyển động của các van tim, đánh giá lượng máu qua van và ở trong các buồng tim.
Siêu âm tim là một kỹ thuật dùng sóng siêu âm có tần số cao
Bác sĩ sẽ sử dụng những thông tin, hình ảnh thu thập được từ quá trình siêu âm tim để đánh giá tim có hoạt động tốt hay không và có những bất thường gì không.
Khi tiến hành siêu âm tim người bệnh không cần có những chuẩn bị đặc biệt trước khi thực hiện siêu âm. Trước và sau khi siêu âm vẫn được ăn uống bình thường và tiếp tục sử dụng các loại thuốc mà người bệnh hiện đang dùng.
2. Các bước thực hiện siêu âm tim
- Người bệnh được yêu cầu cởi áo (kể cả áo ngực ở nữ) do việc siêu âm sẽ phải sử dụng một đầu dò trong đó có phát sóng siêu âm để di chuyển trên da ngực.
- Thoa gel hòa tan trong nước lên trên ngực để làm tăng chất lượng cho hình ảnh.
- Sóng siêu âm phát ra từ đầu dò, sẽ xuyên qua da và hướng tới tim. Sau đó các sóng này sẽ phản xạ trở lại ngay sau khi tiếp xúc với tim và những cấu trúc khác của tim.
Các phản âm sẽ được tiếp nhận bằng đầu dò, sau đó truyền đến máy siêu âm tim và thể hiện bằng hình ảnh ngay trên màn hình. Những hình ảnh về tim sẽ được cập nhật liên tục nên khi siêu âm chúng ta có thể thấy được sự chuyển động của các cấu trúc.
Siêu âm tim là một phương pháp rất an toàn, không gây đau đớn
Siêu âm là một phương pháp rất an toàn, không gây đau đớn, có thể thực hiện nhiều lần mà không làm ảnh hưởng tới sức khỏe. Thời gian siêu âm tim thường kéo dài khoảng 15 - 30 phút. Siêu âm là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh an toàn và phổ biến nhất.
3. Siêu âm tim thai là gì?
Siêu âm tim thai là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để đánh giá cấu trúc, tình trạng tim mạch của thai nhi. Từ đó giúp bác sỹ kiểm tra, đánh giá sức khỏe, sự phát triển của thai nhi, cũng như phát hiện sớm các dị tật tim để can thiệp điều trị.
Tim thai nhi bắt đầu được hình thành và có nhịp đập vào sau khoảng 22 ngày kể từ khi thụ thai thành công. Nhịp tim thai nhi xuất hiện vào tuần thai thứ 6 - 7, lúc này kỹ thuật siêu âm hiện đại đã có thể quan sát thấy.
Siêu âm tim thai thường thực hiện từ tuần thai thứ 20
Tim thai hình thành từ cấu trúc đơn giản, dạng dây ống, sau đó đến dạng xoắn và cuối cùng phân chia, hình thành tim 4 ngăn và van. Tim thai từ tuần thứ 20 trở đi đã có nhịp đập mạnh mẽ, có thể nghe thấy khi áp tai vào bụng mẹ mà không cần thiết bị nghe.
Hiện nay, theo thống kê, mỗi năm có khoảng 0.8% số trẻ sinh ra mắc bệnh tim bẩm sinh. Trong đó một nửa số trẻ mắc bệnh tim nặng, chỉ 50% được phẫu thuật, còn lại phải sống chung với nguy cơ bệnh tật từng ngày. Trong khi đó, dị tật tim bẩm sinh có thể kiểm tra phát hiện từ sớm để can thiệp. Siêu âm tim thai là phương pháp chẩn đoán hiệu quả, có thể đánh giá tình trạng tim mạch của thai nhi, phát hiện chính xác dị tật tim bẩm sinh lên tới 99%.
4. Khi nào thai phụ nên siêu âm tim thai?
Các chuyên gia khuyến cáo, tất cả sản phụ đều nên thực hiện siêu âm tim thai kiểm tra và tầm soát dị tật thai nhi ít nhất 1 lần trong thai kỳ. Có thể thực hiện trong những lần khám thai định kỳ như biện pháp kiểm tra thường xuyên.
Tim thai bất thường cần sớm được siêu âm kiểm tra
Những nhóm thai phụ có nguy cơ cao cần lưu ý kiểm tra thường xuyên tình trạng phát triển tim thai của trẻ hơn, bao gồm:
- Thai nhi thụ tinh nhân tạo.
- Siêu âm thai định kỳ phát hiện ra bất thường.
- Trong thời kỳ mang thai, mẹ có sử dụng các loại thuốc có thể gây ảnh hưởng như: Thuốc chống trầm cảm, thuốc chống co giật, thuốc ức chế tổng hợp prostaglandin…
- Thai phụ mắc bệnh tiểu đường, Phenyl ketones niệu hoặc các bệnh di truyền như: Marfan, Ellis Van Creveld, Noonan…
- Gia đình có tiền sử mắc tim bẩm sinh, đặc biệt là một trong các con trước đó. Theo thống kê, nếu mẹ từng có 1 con mắc tim bẩm sinh, thai nhi có 1/20 - 1/100 nguy cơ, còn 2 con mắc thì nguy cơ lên tới 1/5 - 1/20. Nếu cha mắc bệnh tim bẩm sinh là nguy cơ mắc bệnh của thai nhi là 3%.
- Thai phụ nhiễm bệnh lupus đỏ, HC Sjogren, nhiễm Rubella,… trong thai kỳ.
Ngoài ra, siêu âm tim thai cũng được chỉ định nếu bác sỹ nghi thai nhi có khả năng mắc bệnh tim bẩm sinh như:
- Độ mờ da gáy cao trong 3 tháng đầu thai kỳ.
- Bất thường ngoài tim.
- Tim thai loạn nhịp.
- Hội chứng trao đổi song sinh hoặc đa thai.
- Bất thường nhiễm sắc thể.
- Nhau thai phù không do di truyền.
5. Nên siêu âm tim ở đâu?
MEDLATEC hiện đang cung cấp các dịch vụ siêu âm tim cũng như siêu âm tim thai. Không chỉ các phụ nữ mang thai mà người bình thường cũng nên đi siêu âm tim định kỳ để có thể phát hiện ra những bệnh lý về tim ở giai đoạn đầu, tránh để tình trạng bệnh quá nặng sẽ gây nhiều trở ngại cho quá trình điều trị.
Nếu cần tư vấn thêm, liên hệ với MEDLATEC để được hỗ trợ hoàn toàn miễn phí từ các chuyên gia đầu ngành.
Bệnh nhân siêu âm thai 4D tại Bệnh viện Đa khoa Medlatec
Bác sĩ Trần Văn Thụ