Các u não thường gặp ở trẻ em - đặc điểm lâm sàng và hình ảnh

Ngày 22/02/2024

U não có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Ở trẻ em u não là bệnh lý hay gặp thứ hai đứng sau các bệnh lý về máu

1. U não là gì?

  • U não là các khối u có nguồn gốc thần kinh phát triển bên trong hộp sọ. Theo WHO hiện nay có khoảng trên 120 loại u não khác nhau. U não là loại u rất nguy hiểm do ảnh hưởng trực tiếp tới chức năng của hệ thần kinh.
  • U não ở trẻ em có thể xuất hiện sớm ở lứa tuổi rất nhỏ, để lại hậu quả về thần kinh hết sức nặng nề nếu không được phát hiện và xử trí sớm. Tuy nhiên do các dấu hiệu lâm sàng của u não ở trẻ em thường bị nhầm lẫn với dấu hiệu bệnh lý của các cơ quan khác nên cần được khám bởi các bác sĩ chuyên khoa Nhi và bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh giàu kinh nghiệm.

2. Các loại u não thường gặp ở trẻ em

  • U não trẻ em có thể gặp ở bất kỳ vị trí nào. Tuy nhiên vị trí hay gặp nhất chiếm đến 80% là các u não vùng dưới lều tiểu não.
  • Trong số các u vùng dưới lều, 4 loại u chính hay gặp nhất là u nguyên bào tủy, u màng não thất, u sao bào lông và u thần kinh đệm thân não.

3. Triệu chứng của u não ở trẻ em

Do các u não ở trẻ em thường gặp ở vùng dưới lều tiểu não, nơi chứa hai bán cầu tiểu não, trung não - nơi tập trung rất nhiều trung khu thần kinh quan trọng và có các khe, lỗ lưu thông của dịch não tủy do đó dễ gây các triệu chứng thần kinh nghiêm trọng và ứ nước não thất. Các dấu hiệu nổi bật của u não dưới lều thường thấy là:

  • Tăng áp lực nội sọ: gây ra bởi sự phát triển nhanh chóng của khối u và tình trạng tắc nghẽn lưu thông dịch não tủy gây ứ nước não thất, biểu hiện gồm: đau đầu, buồn nôn, đầu to, nhìn mờ…
  • Thất điều tiểu não: do tiểu não là trung khu điều tiết thăng bằng của cơ thể nên khi khối u phát triển nhanh sẽ chèn ép vào tiểu não gây ra triệu chứng thất điều, bao gồm: đi loạng choạng, không vững, hay ngã, không giữ vững được cổ (trẻ nhỏ)… Các triệu chứng này ở trẻ nhỏ rất dễ nhầm lẫn với các triệu chứng của cơ quan vận động, đặc biệt khi đứa trẻ chưa biết nói dễ khiến cha mẹ và các bác sĩ không chuyên khoa bị nhầm lẫn sang bệnh lý của cơ quan vận động.
  • Rối loạn hô hấp – tim mạch: các rối loạn này xảy ra khi u não chèn ép vào thân não hoặc trực tiếp phát triển từ thân não khiến cho bệnh tình trở nên trầm trọng và là thách thức cho điều trị phẫu thuật.
  • Mặt khác, do các dấu hiệu lâm sàng không đặc hiệu và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý của các cơ quan khác nên cha mẹ nên đưa con khám sớm khi có các triệu chứng: đau đầu kéo dài không đáp ứng với các thuốc giảm đau, đau đầu hay tái phát, đi không vững, hay ngã…

4. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh u não ở trẻ em

2 phương pháp thông dụng nhất hiện nay để chẩn đoán u não là chụp cắt lớp vi tính sọ não và cộng hưởng từ. Vậy khi nào thì dùng cắt lớp vi tính, khi nào cần chụp cộng hưởng từ, chúng ta hãy cùng phân tích ưu nhược điểm của 2 phương pháp này để có sự lựa chọn hợp lý.

4.1. Chụp cắt lớp vi tính

Ưu điểm: thời gian chụp nhanh phù hợp trong đánh giá cấp cứu, có sẵn ở hầu hết mọi cơ sở y tế, giá thành rẻ.

Nhược điểm: độ phân giải mô thấp, nhiễm xạ (tia X).

Dùng trong các trường hợp:

  • Cần đánh giá cấp cứu tình trạng tăng áp lực nội sọ để chỉ định can thiệp dẫn lưu não thất.
  • Theo dõi sau can thiệp dẫn lưu não thất
  • Đánh giá sơ bộ có khối choán chỗ nội sọ hay không tại các cơ sở y tế chưa có cộng hưởng từ.

4.2. Chụp cộng hưởng từ

Ưu điểm: độ phân giải mô cao, giải phẫu rõ nét, không nhiễm xạ, nhiều chuỗi xung khác nhau cho phép xác định bản chất tổn thương dễ dàng.

Nhược điểm: thời gian chụp lâu hơn do phải chụp nhiều chuỗi xung khác nhau, giá thành cao, không có sẵn ở tất cả các cơ sở y tế, cần bác sĩ có kinh nghiệm đọc kết quả.

Dùng trong các trường hợp:

  • Tất cả các bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ có tổn thương nội sọ
  • Đánh giá bản chất u não khi chụp cắt lớp vi tính nghi ngờ, chẩn đoán phân biệt giữa tổn thương u não và các tổn thương giả u (áp xe, hủy myelin giả u…)
  • Đánh giá di căn khối u theo đường dịch não tủy (CSF seeding)
  • Theo dõi khối u tồn dư sau điều trị
  • Đánh giá các bệnh lý bẩm sinh hệ thần kinh trung ương đi kèm (đa hồi não, nhẵn não, chẻ não…).

máy chụp MRI

Hình ảnh máy chụp cộng hưởng từ GE Signa Explorer 1.5 Tesla tại Medlatec.

Ngoài ra, với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khi thóp còn chưa đóng có thể dùng siêu âm não qua thóp như là phương tiện chẩn đoán hình ảnh đầu tay để sàng lọc u não. Ưu điểm của phương pháp này là nhanh chóng, dễ thực hiện, máy siêu âm luôn có sẵn tại các cơ sở y tế, có thể thực hiện cấp cứu.

Tuy nhiên nhược điểm của phương pháp này là đòi hỏi bác sĩ có nhiều kinh nghiệm, được đào tạo bài bản về siêu âm não qua thóp và chỉ định hướng được có tổn thương choán chỗ khi tổn thương đủ lớn gây hiệu ứng khối nhưng khó xác định được chính xác bản chất tổn thương.

5. Đặc điểm hình ảnh một số u não thường gặp ở trẻ em

Như ở trên đã đề cập, mặc dù u não ở trẻ em có rất nhiều loại khác nhau nhưng thường gặp ở vùng dưới lều tiểu não. Và trong số đó, hầu hết (khoảng 80%) là 4 loại u sau:

5.1. U nguyên bào tủy (medulloblastoma)

Đặc điểm chung:

+ Là u não ác tính, phân bậc 4 theo WHO

+ Tuổi: <19 tuổi (77%), hay gặp nhất là độ tuổi 3-7 tuổi.

+ Vị trí: hố sau, trên đường giữa, hay gặp ở thùy nhộng (75%).

+ U xuất phát từ mái não thất IV và có xu hướng lồi vào trong lòng não thất. Đây là một trong các đặc điểm quan trọng để phân biệt u nguyên bào tủy với u màng não thất, do u màng não thất phát triển từ sàn não thất IV.

+40% các khối u tại thời điểm chẩn đoán có di căn vào dịch não tủy. Vì vậy việc tầm soát toàn bộ tủy sống là hết sức quan trọng để đánh giá toàn diện tổn thương trước phẫu thuật nhằm xác định kế hoạch điều trị và theo dõi sau điều trị.

Đặc điểm hình ảnh:

Đối với u nguyên bào tủy, chúng ta cần nhớ đây là một “khối u đặc giàu tế bào”, cụ thể:

+ Trên chuỗi xung T1W: u giảm tín hiệu so với chất xám

+ Trên chuỗi xung T2W/FLAIR: u đồng hoặc tăng tín hiệu so với chất xám, thường không đồng nhất do có các vùng thoái hóa dạng nang, hoại tử hoặc calci hóa, thường có viền phù quanh u.

+ Trên chuỗi xung DWI và bản đồ ADC: khối u hạn chế khuếch tán rõ biểu hiện bằng hình ảnh u tăng tín hiệu trên DWI, giảm tín hiệu trên ADC.

+ Trên chuỗi xung T1W sau tiêm thuốc đối quang từ: 90% u ngấm thuốc mạnh, thường không đồng nhất.

U não trẻ emU não trẻ em

U não trẻ em

Hình ảnh khối u nguyên bào tủy của bệnh nhân nam, 11 tuổi được chụp tại Phòng khám Đa khoa Medlatec Tây Hồ

trên máy Cộng hưởng từ 1.5 Tesla

5.2. U màng não thất (Ependymoma)

Đặc điểm chung:

+ Đây là khối u có độ ác tính trung gian, tùy thuộc vào thể, phân bậc 3 hoặc 4 theo WHO.

+ Độ tuổi thường gặp: < 6 tuổi (> 95%).

+ Vị trí: u xuất phát từ sàn não thất hoặc các khe bên của não thất IV

+ U có xu hướng phát triển qua các lỗ tự nhiên như lỗ Luschka hai bên và lỗ Magendie, chính vì đặc điểm này nên u còn có tên gọi là plastic tumour (tạm dịch là u dẻo)

+ U có thể di căn theo dịch não tủy tại thời điểm chẩn đoán, do đó cũng nên tầm soát toàn diện tủy sống khi có chẩn đoán loại u này.

+ U thường không đồng nhất do có chảy máu trong u (biểu hiện bằng tình trạng cấp tính nếu có chảy máu), vôi hóa, hoại tử.

Đặc điểm hình ảnh:

Đối với u màng não thất, chúng ta cần nhớ đây là một “khối u dẻo- plastic tumour”, cụ thể:

+ Trên chuỗi xung T1W: u đồng hoặc giảm tín hiệu so với chất xám.

+ Trên chuỗi xung T2W/ FLAIR: u tăng tín hiệu không đồng nhất, do có thành phần xuất huyết, hoại tử hoặc calci hóa.

+ U thường phát triển qua các lỗ Luschka và Magendie để lan sang các vùng não thất hoặc các bể não lân cận. Đây là một trong những đặc điểm quan trọng nhất để nhận biết khối u này trên cộng hưởng từ.

+ Trên chuỗi xung DWI và bản đồ ADC: khối u thường không hạn chế khuếch tán, u có phần hạn chế khuếch tán nếu là thể bất thục sản. 

+ Trên chuỗi xung T1W sau tiêm: u thường ngấm thuốc không đồng nhất.

Như vậy, có 3 đặc điểm quan trọng để phân biệt giữa u nguyên bào tủy và u màng não thất trên cộng hưởng từ cần nhớ là:

  • U nguyên bào tủy xuất phát từ mái não thất còn u màng não thất xuất phát từ sàn não thất.
  • U nguyên bào tủy hạn chế khuếch tán rõ còn u màng não thất thường chỉ hạn chế khuếch tán rõ khi là thể bất thục sản có độ ác tính cao.
  • U màng não thất thường phát triển lan qua các lỗ Luschka và Magendie, các khe, rãnh để thông thương với não thất hoặc bể não lân cận.

U não trẻ emU não trẻ em

U não trẻ em

Hình ảnh khối u màng não thất trên cộng hưởng từ ở trẻ nam, 3 tuổi có biểu hiện nôn, đau đầu

5.3. U sao bào lông (Pilocystic Astrocytoma)

Đặc điểm chung:

+ U lành tính, phân độ bậc 1 theo WHO

+ Độ tuổi thường gặp: < 20 tuổi, 69% 9-10 tuổi.

+ Vị trí: tiểu não (60%), thường gặp ở ngoại vi bán cầu tiểu não hơn là vùng trung tâm. Ngoài vùng dưới lều, u còn có thể gặp ở các vị trí khác: Thần kinh thị giác, giao thoa thị giác, đồi thị.

+ U thường biểu hiện dạng nang với nốt ngấm thuốc trong thành.

+ Có thể xuất hiện xuất huyết, vôi hóa, hoại tử trong u.

+ Lâm sàng diễn biến từ từ.

Đặc điểm hình ảnh:

Đối với u sao bào lông, chúng ta cần nhớ đây là một “ khối u dạng nang có nốt ngấm thuốc trên thành”

+ Tên chuỗi xung T1W và T2W:

  • Phần đặc: đồng hoặc giảm tín hiệu trên T1W, tăng tín hiệu trên T2W.
  • Phần nang: tỷ trọng tương đương dịch não tủy, nếu có xuất huyết sẽ thấy tín hiệu dịch máu trong nang tạo mức dịch – dịch. Nhận biết máu trong nang rõ nhất trên T2* dựa vào vùng giảm tín hiệu trên chuỗi xung này.
  • Trên chuỗi xung DWI và ADC: u không hạn chế khuếch tán.
  • Trên chuỗi xung T1W sau tiêm thuốc đối quang từ: thành phần đặc ngấm thuốc mạnh, thành phần nang ngấm thuốc viền ngoại vi.

U não trẻ em

U não trẻ em

Hình ảnh u sao bào lông trên cộng hưởng từ của một trẻ nam, 8 tuổi có biểu hiện đau đầu

5.3. U thần kinh đệm thân não (Brainstem glioma)

Đặc điểm chung:

+ Ít gặp hơn các loại u vùng dưới lều tiểu não khác

+ Vị trí thường gặp: cầu não

+ Có 2 loại: u thần kinh đệm thân não lan tỏa và khu trú: Dạng lan tỏa, thường gặp hơn và ác tính hơn. Dạng khu trú ít gặp hơn và tiên lượng tốt hơn.

Đặc điểm hình ảnh:

+ Trên chuỗi xung T1W: u thường giảm tín hiệu so với chất xám.

+ Trên chuỗi xung T2W và FLAIR: u tăng tín hiệu so với chất xám.

+ Trên chuỗi xung DWI và bản đồ ADC: có thể có hạn chế khuếch tán.

+ Trên chuỗi xung T1W sau tiêm thuốc đối quang từ: u ngấm thuốc kém.

U não trẻ emU não trẻ em

U não trẻ em

Hình ảnh u thần kinh đệm thân não lan tỏa trên cộng hưởng từ ở một trẻ nữ 7 tuổi có biểu hiện đau đầu kéo dài 3 tháng nay

6. Kết luận

- U não trẻ em mặc dù đa dạng nhưng thường gặp ở vùng dưới lều tiểu não và 80% là 4 loại: u nguyên bào tủy, u màng não thất, u sao bào lông và u thần kinh đệm thân não.

- Mặc dù khó chẩn đoán song các khối u này thường có các biểu hiện lâm sàng như: đau đầu kéo dài không đáp ứng với các điều trị giảm đau thông thường, đi không vững, dáng đi loạng choạng mà không tìm ra nguyên nhân từ hệ cơ xương khớp, nôn kéo dài nhưng không tìm ra căn nguyên từ hệ tiêu hóa….Vì vậy khi cha mẹ thấy trẻ có các biểu hiện bất thường này nên cho trẻ đi khám tại cơ sở y tế có chuyên khoa sâu về chẩn đoán hình ảnh Nhi khoa để được thăm khám kịp thời.

Trên đây là những kiến thức cơ bản về các loại u não thường gặp ở trẻ em. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho các bậc cha mẹ nhận biết các triệu chứng sớm của trẻ cũng như các bác sĩ lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh có thêm thông tin để tiếp cận với bệnh nhân nhi khi nghi ngờ có u não.

Hệ thống y tế Medlatec – nơi quy tụ các bác sĩ hàng đầu về lĩnh vực Nhi khoa và Chẩn đoán hình ảnh với nhiều cơ sở trải dài trên khắp lãnh thổ Việt Nam, được trang bị các máy móc và thiết bị chẩn đoán hiện đại chắc chắn sẽ là địa chỉ uy tín để quý khách hàng lựa chọn khi cần tham vấn về sức khỏe. 

BS Nguyễn Thị Bích Ngọc


Bài viết cùng chuyên mục