Chụp cộng hưởng từ là gì? Chụp cộng hưởng từ có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Chụp cộng hưởng từ (MRI) nhiều năm trở lại đây được chỉ định rất rộng rãi với đa dạng đối tượng người bệnh từ trẻ em đến người già, phụ nữ có thai và đang ngày được cải tiến, nâng cấp để có thể phục vụ mọi đối tượng người bệnh nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng hình ảnh, mức độ an toàn, đồng thời rút ngắn thời gian chụp.
1. Chụp cộng hưởng từ là gì?
Đầu tiên, cần hiểu rõ về nguyên lý chụp cộng hưởng từ, trong cơ thể người được cấu thành bởi rất nhiều các nguyên tố, trong đó nguyên tố Hydro chiếm phần lớn hơn cả so với các nguyên tố còn lại (trong các phân tử nước và chất béo). Khi được kích thích năng lượng bởi sóng điện từ đặt trong từ trường lớn (khối nam châm của máy cộng hưởng từ), các proton H đang chuyển động hỗn loạn sẽ sắp xếp theo một trật tự nhất định. Sau khi ngừng kích thích, các proton này sẽ quay trở về trạng thái ban đầu, trong quá trình đó sẽ sinh ra năng lượng, các năng lượng này được thu lại dưới dạng tín hiệu và được máy tính xử lý cho ra hình ảnh hoàn chỉnh. Proton ở các mô khác nhau sẽ có các mức năng lượng khác nhau, chính vì thế mà có thể điều chỉnh thời gian thu nhận tín hiệu để tạo ra sự khác biệt về hình ảnh giữa các cơ quan khác nhau trong cơ thể.
Các proton H sắp xếp theo trình tự khi đặt trong từ trường mạnh
Do sử dụng proton H trong các phân tử nước và chất béo để tạo tín hiệu mà nước lại chiếm đến 55-65% cơ thể nên lượng tín hiệu tạo ra rất lớn, do đó kỹ thuật chụp cộng hưởng từ đem lại chất lượng hình ảnh rất sắc nét, chi tiết, tái tạo một cách hoàn chỉnh về cấu trúc giải phẫu, hình thái của bộ phận cần chụp. Chụp cộng hưởng từ có thể thăm khám được hầu hết các bộ phận trên cơ thể ( sọ não, ổ bụng, tiền liệt tuyến, cột sống, khớp vai, khớp gối, khớp háng, ...) giúp đánh giá được rất nhiều bệnh lý về nhu mô não, mạch máu, dây thần kinh, các tổn thương các tạng trong ổ bụng (gan, mật, tụy, đại tràng,…), tổn thương cột sống, đứt dây chằng,…
Chụp Mri có thể thăm khám được rất nhiều bộ phận với hình ảnh rất sắc nét, chi tiết
2. Quy trình chụp cộng hưởng từ như thế nào?
Đầu tiên, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn cởi bỏ các vật dụng bằng kim loại như đồng hồ, dây lưng, điện thoại, thẻ ATM, dây chuyền, … và được kỹ thuật viên chụp khai thác các yếu tố nguy cơ. Trong các trường hợp người bệnh có cấy ghép kim loại, đặt máy tạo nhịp tim, máy trợ thính, clips phẫu thuật thì tuyệt đối không được chụp cộng hưởng từ. Các trường hợp mắc hội chứng sợ buồng kín, rối loạn tâm thần, các trường hợp cấy ghép kim loại bằng vật liệu titan, người có nhiều hình xăm thì trước khi chụp cần tham khảo ý kiến bác sĩ và theo dõi kỹ lưỡng trong quá trình chụp. Đối với các trường hợp cần tiêm thuốc đối quang từ thì bệnh nhân sẽ được bác sĩ cấp cứu khai thác, giải thích về các yêu tố nguy cơ và quyết định có thực hiện thủ thuật hay không.
Sau đó, tùy thuộc vào chụp bộ phận nào mà kỹ thuật viên sẽ hướng dẫn người bệnh thay đồ, tập hít thở (nếu chụp ổ bụng, phổi hay một số xung đặc biệt). Trong quá trình chụp, bệnh nhân cần nằm im và nghe theo các hiệu lệnh (nếu có) vì kỹ thuật chụp MRI rất nhạy với các chuyển động dẫn đến nhiễu tín hiệu, ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh gây khó khăn trong chẩn đoán. Cần chú ý nếu trong lúc chụp bệnh nhân có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào cần báo ngay cho kỹ thuật viên chụp để xử lý, đặc biệt là các trường hợp có sử dụng thuốc đối quang từ.
Thời gian chụp thường sẽ diễn ra trong ~15-30 phút tùy bộ phận cần thăm khám, khi quá trình chụp kết thúc, bệnh nhân sẽ ngồi đợi kết quả chừng 20-30 phút và cầm kết quả cho bác sĩ lâm sàng tư vấn.
Chụp MRI tại PKĐK Medlatec 99 Trích Sài- Hà Nội
3. Chụp cộng hưởng từ có ảnh hưởng đến thai nhi hay không?
Phương pháp chụp cộng hưởng từ sử dụng từ trường mạnh để làm thay đổi vector của các proton H trong cơ thể, khi ngừng kích thích các proton này trở về trạng thái ban đầu, không gây ra bất kỳ biến đổi cấu trúc sinh học nào. Hiện nay, trên thế giới chưa có các nghiên cứu cụ thể và rõ ràng về sự ảnh hưởng của cộng hưởng từ đối với thai nhi do các vấn đề về đạo đức y học và sự khó khăn trong việc theo dõi, quan sát các sự thay đổi. Về mặt nguyên lý, cộng hưởng từ gần như không gây ra bất kỳ biến đổi về trình tự gen, cấu trúc phân tử hay gây biến đổi hình thái nào. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì không nên dùng phương pháp chụp cộng hưởng từ với phụ nữ đang mang thai 3 tháng đầu do thai nhi ở giai đoạn này các tế bào chưa biệt hóa và cực kỳ nhạy cảm với các tác nhân từ môi trường bên ngoài.
Do từ trước đến nay chưa có một nghiên cứu hay ghi nhận nào về sự ảnh hưởng của từ trường đối với thai nhi, chính vì thế phương pháp chụp cộng hưởng từ vẫn được coi là vô hại đối với thai nhi, trẻ em hay phụ nữ có thai. Bên cạnh đó, chụp cộng hưởng từ thai nhi từ 13 tuần tuổi trở đem lại rất nhiều lợi ích trong việc chẩn đoán các dị tật của thai, bất thường về cột sống, các bệnh lý di truyền.
Hình ảnh chụp cộng hưởng từ thai nhi
Tóm lại, phương pháp chụp cộng từ gần như không gây hại gì đến sự hình thành và phát triển của thai nhi, chụp mri thai nhi từ 13 tuần tuổi đem lại rất nhiều giá trị trong chẩn đoán sớm và điều trị các dị tật của thai, tuy nhiên khuyến cáo của các chuyên gia không nên áp dụng với phụ nữ mang thai 3 tháng đầu để đảm bảo an toàn nhất có thể. Bệnh viện đa khoa Medlatec với đa dạng dịch vụ công nghệ cao, chi phí vô cùng hợp lý và đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, tâm huyết từ lâu đã là địa chỉ khám, chữa bệnh uy tín với rất nhiều bệnh nhân trong và ngoài Hà Nội. Để biết thêm thông tin chi tiết về các dịch vụ cũng như các khuyến mại vui lòng liên hệ 1900 56 56 56.
ThS.BSNT Triệu Quang Tĩnh