Tràn dịch màng ngoài tim và các phương pháp chẩn đoán
Tràn dịch màng tim là bệnh lý thường gặp và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người. Tràn dịch mang tim thường xuất hiện thầm lặng, không có biểu hiện triệu chứng nổi bật để người bệnh có thể phát hiện được mình có bị tràn dịch màng tim hay không. Vì vậy, qua bài viết này, MEDLATEC muốn cung cấp thêm những thông tin liên quan đến tràn dịch màng tim và các phương pháp chẩn đoán. Hy vọng những nội dung dưới đây sẽ hỗ trợ thêm kiến thức cho người bệnh về tràn dịch màng tim.
1. Tràn dịch màng ngoài tim
Để hiểu hơn về tràn dịch màng tim, chúng ta cần biết màng ngoài tim có cấu tạo như thế nào. Màng ngoài tim hai lớp thanh mạc lá thành và lá tạng, giữa hai bộ phận này sẽ có một lớp dung dịch nhỏ từ 15 - 30ml. Chức năng của lớp dung dịch này đó là giúp cho quá trình co bóp tim được dễ dàng, giảm cọ xát màng tim khi thực hiện quá trình co bóp tim.
Màng ngoài tim thực hiện chức năng bảo vệ tim, giúp quá trình hoạt động của tim hiệu quả hơn và ngăn cản tim dịch chuyển quá mức. Hiện tượng chất lỏng dư thừa tích tụ trong cấu trúc túi này được gọi là tràn dịch màng ngoài tim và lượng chất lỏng này lên tới 50ml. Chất lỏng này có thể là máu mà không do viêm như sau chấn thương ngực, phẫu thuật hoặc các biến chứng của các thủ thuật của tim khác.
Từ đó, màng ngoài tim bị viêm, chất lỏng sẽ tăng tiết ra và tích tụ trong túi. Vì vậy, nếu tràn dịch màng ngoài tim không được phát hiện kịp thời, người bệnh có thể dẫn tới tình trạng suy tim hoặc tử vong.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tràn dịch màng ngoài màng tim. Một số nguyên nhân thường gặp như:
-
Vi khuẩn, virus, nấm,… khi xâm nhập vào lớp lá màng tim sẽ gây kích thích, tăng tiết dịch viêm.
-
Những người bệnh đã có tiền sử bị bệnh lao phổi
-
Các tự kháng thể trong các bệnh viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống… gây tình trạng viêm vô khuẩn, tăng tiết dịch màng ngoài tim.
-
Hội chứng ure máu cao, phù niêm, giảm albumin máu…
-
Người bệnh bị chấn thương vùng ngực: có thể gây tổn thương cơ tim hoặc các mạch máu nhỏ ngoài tim gây chảy máu, tràn dịch màng tim…
-
Nhồi máu cơ tim cấp và các hội chứng sau tổn thương cơ tim – màng tim: hội chứng Dressler, sau mở màng tim
-
Một số bệnh lý trên toàn thân khác: suy giáp, ung thư, suy gan, suy tim hoặc suy thận mạn, xạ trị, khối u vùng ngực… gây ảnh hưởng đến khả năng trao đổi nước, dịch giữa tế bào và mạch máu gây tích tụ dịch tại màng ngoài tim.
Triệu chứng ban đầu của tràn dịch ngoài màng tim đó là bệnh nhân có đau tức ngực âm ỉ, cơn đau sẽ phụ thuộc vào tư thế của người bệnh: nằm ngửa sẽ đau hơn, nằm nghiêng giảm sút. Người bệnh khó thở trong một thời gian dài, rối loạn nhịp tim, cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực. Hiện tượng: mệt mỏi, giảm khả năng tập trung, chóng mặt… xuất hiện thường xuyên do thiếu oxy não.
Đau ngực là một trong những triệu chứng của tràn dịch màng ngoài tim
2. Các phương pháp chẩn đoán
Hiện nay, có nhiều phương pháp chẩn đoán bệnh nhân có bị tràn dịch màng tim hay không.
Điện tâm đồ
Điện tâm đồ ( đo điện tim) được viết tắt là ECG, là phương pháp theo dõi hoạt động, tốc độ cũng như nhịp điệu của tim. Các biến thiên của dòng điện sẽ được thu lại khi tim hoạt động và tim co bóp, điện tâm đồ là một đường cong có chức năng ghi lại các biến thiên của tim. Thông qua kết quả điện tim, ta có thể biết được khả năng tống máu của tim, biết được nhịp tim đều không và tốc độ của tim. Nhờ những chỉ số đo điện tim các bác sĩ có thể chẩn đoán được một số bất thường của tim như rối loạn nhịp tim, phì đại cơ tim,...
Hình ảnh điện tâm đồ
Siêu âm tim
Khác với điện tim, siêu âm tim sử dụng sóng siêu âm để quan sát các hình ảnh của tim, van tim và các mạch lớn. Siêu âm tim giúp đánh giá độ dày thành tim (ví dụ, trong phì đại cơ tim hoặc thành tim mỏng), chuyển động của tim và cung cấp thông tin về thiếu máu và nhồi máu.
Mặc khác điện tim có thể được sử dụng để đánh giá chức năng tâm thu cũng như các dạng đổ đầy tâm trương thất trái. Dựa vào phương pháp này, bác sĩ có thể đo lường được dung dịch tại màng ngoài tim, hình ảnh tim, áp lực tống máu của từng buồng tim.
Hình ảnh siêu âm tim
X- quang tim phổi thẳng
Khi bệnh nhân có các dấu hiệu nghi ngờ như: Đau ngực, sốt, ho dai dẳng, khó thở, bác sĩ nghĩ đến hàng đầu là chụp X-quang. Nhiệm vụ của phương pháp này đó là xác định các tổn thương cơ bản ở phổi cùng các vấn đề liên quan đến tim. Từ đây, bác sĩ sẽ xác định mối liên quan của tổn thương đó với các cơ quan xung quanh: Trung thất, xương sườn và khoang gian sườn, khí phế quản, vòm hoành,.
Sinh hóa máu: phát hiện những bất thường trong chức năng gan, chức năng thận…
Sinh hóa dịch màng ngoài tim: nhằm xác định được nguyên nhân gây bệnh.
Hình ảnh X quang tim phổi của bệnh nhân tràn dịch màng ngoài tim
Chụp Cắt Lớp Vi Tính (CLVT)
Chụp CLVT có thể phát hiện tràn dịch màng ngoài tim với các lớp cắt mỏng, chi tiết. Ngoài ra chụp CLVT có thể phát hiện ra tràn dịch màng ngoài tim số lượng ít mà các phương pháp thông thường có thể bỏ qua hoặc chẩn đoán phân biệt với một số bệnh lý của màng tim khác. Độ dày của màng ngoài tim bình thường được đo trên CLVT và trên hình ảnh MRI thường được lấy ở mức 2mm và bất thường khi đo được >3-4 mm.
CLVT giúp chẩn đoán cực kỳ dễ dàng nhưng thường được thực hiện để cố gắng làm rõ nguyên nhân gây tràn dịch hơn là để xác nhận chẩn đoán. Trên CLVT tổn thương thường xuất hiện cạnh màng ngoài tim dưới dạng một khối tròn, ranh giới rõ, không ngấm thuốc, giảm dịch, cạnh màng ngoài tim.
Hình ảnh chụp CLVT của bệnh nhân có tràn dịch màng ngoài tim tại MEDLATEC
Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Trên MRI, màng ngoài tim bình thường được xem là một cấu trúc đường cong nhẵn được bao quanh hai bên bởi mỡ. Màng ngoài tim bình thường có tín hiệu từ trung bình đến thấp trên các chuỗi FSE T1 và T2 hoặc chuỗi xung SSFP. Hai lớp màng ngoài tim không được phân biệt rõ ràng. Sự hiện diện của chất béo và chất lỏng làm cho việc quan sát màng ngoài tim dễ dàng hơn. Màng ngoài tim bình thường đo 1,2mm trong thì tâm trương và 1,7mm trong thì tâm thu trên nghiên cứu MRI. Tràn dịch màng ngoài tim đơn thuần sẽ có giảm tín hiệu trên ảnh T1W và tăng tín hiệu trên ảnh T2W FSE và SSFP T2W.
Tràn dịch màng ngoài tim phức tạp, chẳng hạn như dịch tiết và xuất huyết, có tín hiệu cao trên T1W và tín hiệu trung gian trên T2W. Trên hình ảnh SSFP, có thể nhìn thấy các sợi fibrin hoặc máu đông, thường liên quan đến các vị trí. Trong giai đoạn bán cấp, máu tụ màng ngoài tim có tín hiệu cao không đồng nhất trên các chuỗi xung T1W, T2W và tín hiệu thấp với viền tối trong giai đoạn mãn tính.
Đôi khi việc phân biệt tràn dịch màng ngoài tim lượng nhỏ với dày màng ngoài tim có thể khó khăn tuy nhiên phân tích cẩn thận MRI cho phép phân biệt hai tổn thương này
Hình ảnh MRI tràn dịch màng ngoài tim
3. Cách điều trị
Để điều trị có hiệu quả bệnh lý này, bệnh nhân cần thực hiện các xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Họ sẽ là những người trực tiếp chẩn đoán và theo dõi quá trình phát hiện và tìm phương pháp điều trị. Với mỗi một bệnh nhân và tình trạng khác nhau, bác sĩ sẽ có những phương pháp điều trị hợp lý để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.
Một số cách điều trị thường áp dụng như:
-
Chọc hút dịch màng tim: đây là phương pháp phổ biến được áp dụng ở đa số các bệnh nhân. Khi có ép tim hoặc rối loạn huyết động: cần chọc hút dẫn lưu dịch màng ngoài tim cấp cứu.Phương pháp này giúp giảm bớt sự chèn ép với tế bào cơ tim. Bác sĩ sẽ sử dụng kim nhỏ chuyên dụng nhằm hút bớt dịch màng tim dưới hướng dẫn của máy siêu âm để đảm bảo an toàn cho người bệnh.
-
Thuốc lợi tiểu: giúp tăng đào thải lượng dịch dư thừa ra khỏi cơ thể thông qua nước tiểu, từ đó giúp giảm lượng dịch thừa tại khoang màng tim.
-
Kháng sinh: thường được chỉ định đối với bệnh viêm màng tim do nhiễm trùng, bệnh lao…
-
Điều trị tốt nguyên nhân khác như: bệnh tự miễn, suy tim, ung thư hoặc suy thận…
Chọc hút dịch màng tim là một trong những phương pháp điều trị
Trên đây là những thông tin mà MEDLATEC muốn mang đến cho khách hàng về tràn dịch màng ngoài tim và các phương pháp chẩn đoán. Tuy nhiên, với những thông tin này, nó chưa thật sự đầy đủ và chi tiết đối với từng bệnh nhân, từng bệnh lý khác nhau. Để hiểu rõ hơn về tình trạng của bản thân, khách hàng có thể liên hệ trực tiếp đến hotline của chúng tôi: 1900 56 56 56 để được tư vấn và đặt lịch khám miễn phí!
Để được tư vấn trực tiếp bởi các chuyên gia, bác sĩ giàu kinh nghiệm cũng như tình trạng bệnh lý của mình, Quý khách hàng có thể đến trực tiếp các cơ sở hoặc liên hệ qua các hình thức dưới đây để được hỗ trợ:
- Tổng đài: 1900 565656 | Hoặc: 0846 248 000
- Website: medim.vn.
- Email: Info@medim.vn.
- Địa chỉ cơ sở: https://medlatec.vn/he-thong-medlatec-benh-vien
KTV Nguyễn Huy Bách