Lóc tách động mạch chủ

Ngày 03/02/2024

1. Lóc tách động mạch chủ là gì và có nguy hiểm hay không?

Động mạch chủ là động mạch lớn nhất của cơ thể, xuất phát từ tim, chạy vòng cung trong ngực, qua cơ hoành rồi xuống bụng. Động mạch chủ phân chia các nhánh cấp máu cho các cơ quan trong cơ thể. Động mạch chủ có thể chia làm các đoạn theo đường đi gồm: động mạch chủ lên, quai động mạch chủ, động mạch chủ xuống (gồm động mạch chủ ngực và động mạch chủ bụng). Nhóm bệnh lý của động mạch chủ là bệnh lý khá nguy hiểm và đang có xu hướng mắc gia tăng.

Lóc tách động mạch chủ xảy ra khi xuất hiện vết rách nội mạc, dòng máu qua vết rách nội mạc làm bóc tách các lớp áo của động mạch chủ, tạo ra lòng giả và lòng thật, bóc tách lan dọc đường đi của động mạch, có thể lan xuống bụng, lan vào các mạch tạng, mạch chi gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Lóc tách động mạch chủ được coi là cấp khi xảy ra dưới 2 tuần, bán cấp khi thời gian từ 2-8 tuần, mạn tính khi >8 tuần.

Mạch máu khi bị lóc tách

Lóc tách động mạch chủ được phân loại theo De-Bakey hoặc Stanford. Trong đó phân loại theo Stanford được sử dụng rộng rãi trong lâm sàng:

- Stanford A( loại A): Loại bóc tách này xảy ra ở phần đầu của động mạch chủ (động mạch chủ lên), gần tim và có thể đe dọa tính mạng người bệnh ngay lập tức. Bệnh nhân gặp phải tình trạng này cần được phẫu thuật mở ngực khẩn cấp đặc biệt khi có biến chứng để sửa chữa hoặc thay thế đoạn đầu tiên của động mạch chủ loại bỏ đoạn động mạch bị bóc tách thay bằng đoạn động mạch nhân tạo.

- Stanford B (loại B): Vết rách bắt đầu ở phần xa của động mạch chủ vị trí vết rách sau động mạch dưới đòn trái. Giống như lóc tách loại A, vết rách loại B thường kéo dài từ động mạch chủ xuống đến bụng (động mạch chủ bụng), nhưng không liên quan đến động mạch chủ lên. Bệnh nhân khi bị lóc tách động mạch chủ loại B có thể cần hoặc không cần phẫu thuật ngay, tùy thuộc vào vị trí của vết rách và việc nó có gây biến chứng hay không.

Phân loại lóc tách động mạch theo Stanford

2. Nguyên nhân gây lóc tách động mạch chủ và triệu chứng.

Nguyên nhân:

  • Có thể do thoái hóa thành động mạch chủ do suy yếu theo thời gian
  • Có thể do chấn thương xoắn vặn hoặc do thầy thuốc gây ra (do dụng cụ như dụng cụ dùng trong thông tim).

Triệu chứng: Đau ngực/lưng: đây là triệu chứng hay gặp nhất. Đau ngực thường dữ dội, như dao đâm hay như xé ngực, xuyên ra sau lưng, kéo dài trong nhiều giờ. Nhiều khi cần phải dùng thuốc giảm đau loại morphin mới làm dịu được cơn đau.

Các triệu chứng khi lóc tách lan rộng:

  • Chênh lệch huyết áp hai tay: có thể sờ thấy mạch một bên tay yếu hơn nhiều so với tay còn lại, đôi khi mất mạch. Huyết áp hai tay chênh lệch trên 20mmHg. Nguyên nhân do lóc tách động mạch chủ lan vào động mạch dưới đòn.
  • Dấu hiệu thần kinh khu trú: giảm ý thức đột ngột, liệt nửa người thường do lóc tách lan vào động mạch cảnh gây đột quỵ não cấp tính.
  • Tiếng thổi ở tim: thường do lóc tách động mạch chủ Stanford A lan vào van động mạch chủ, gây hở van động mạch chủ tạo ra tiếng thổi tâm trương mới xuất hiện, thường kèm theo triệu chứng của suy tim cấp.
  • Nhồi máu cơ tim: hiếm khi xảy ra, do lóc tách lan vào động mạch vành.
  • Đau bụng, chướng bụng: lóc tách lan xuống động mạch chủ bụng và các mạch mạc treo, gây thiếu máu ruột, giảm nhu động ruột, gây đau và chướng bụng.

Triệu chứng của lóc tách động mạch chủ vỡ:

  • Sốc, tụt huyết áp
  • Khó thở do tràn máu màng tim, tràn máu màng phổi
  • Triệu chứng chèn ép tim cấp: tiếng tim mờ, tụt huyết áp, tĩnh mạch cổ nổi.

 3. Các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao

Ngoài các nguyên nhân kể trên còn có các yếu tố làm tăng nguy cơ gây lóc tách động mạch chủ như:

  • Tăng huyết áp: Huyết áp cao gây tổn thương trực tiếp đến các lớp mô động mạch chủ, làm mất các sợi đàn hồi, phá vỡ cấu trúc thành và tăng độ cứng của thành động mạch.
  • Xơ vữa động mạch, cholesterol cao, hút thuốc lá.
  • Các bệnh lý tim bẩm sinh như van động mạch chủ hai mảnh (có 2 lá thay vì 3 lá như bình thường), hội chứng Turner…
  • Tiền sử gia đình bị bóc tách động mạch chủ.
  • Viêm mạch, cụ thể là viêm động mạch chủ( viêm động mạch Takayasu)
  • Chấn thương ở ngực sau tai nạn xe cộ hoặc ngã từ trên cao xuống
  • Người cao tuổi: Thành động mạch chủ mất tính đàn hồi khi tuổi tăng dần.
  • Phụ nữ mang thai bị tăng huyết áp thai kỳ. Nam giới có tỉ lệ mắc cao hơn nữ giới.

 4. Các phương pháp chẩn đoán lóc tách động mạch chủ.

  • Chụp cắt lớp vi tính đa dãy có dựng hình động mạch chủ: là phương pháp chẩn đoán lóc tách động mạch chủ phổ biến nhất với thời gian chụp nhanh và cho nhiều giá trị chẩn đoán. Dựa trên phim chụp cắt lớp vi tính có thể xác định được lóc tách loại A hay loại B, vị trí vết rách nội mạc, xác định lòng thật - lòng giả, sự lan rộng của lóc tách, sự thiếu máu các tạng và các biến chứng tràn máu màng tim, màng phổi… từ đó đưa ra hướng điều trị tiếp theo để tránh các biến chứng nguy hiểm
  • Siêu âm tim: có thể xác định được khi lóc tách động mạch chủ lên hoặc đoạn gần của động mạch chủ. Đặc biệt hữu ích để xác định tình trạng van tim, chức năng tim, dịch màng tim
  • X-quang ngực: thường cho ít thông tin. Có thể thấy hình ảnh trung thất rộng, dịch màng phổi khi có biến chứng
  • Cộng hưởng từ: Cho hình ảnh có độ giân giải cao, có thể thực hiện được cho bệnh nhân suy thận không thể tiêm thuốc cản quang hoặc thuốc đối quang từ. Tuy nhiên có nhược điểm là thời gian chụp dài, khó thực hiện trong trường hợp cấp tính, người bệnh không hợp tác.
  • Chụp số hóa xóa nền DSA: Ưu điêm so với các phương pháp khác là có thể nhìn thấy hình ảnh dòng chảy mạch máu trực tiếp bằng thời gian thực. Tuy nhiên thường áp dụng phương pháp này trong điều trị can thiệp hơn là trong chẩn đoán do một số nhược điểm như: giá thành cao, có tỉ lệ biến chứng khi luồn ống thông vào lòng giả và chụp sẽ gây tăng áp lực trong lòng giả hoặc có thể gây nặng thêm tình trạng lóc tách, không đánh giá được mức độ thiếu máu các cơ quan…

Hình ảnh lóc tách động mạch chủ trên phim chụp cắt lớp vi tính SIEMENS go.Top 128 dãy tại

Bệnh viện Đa khoa Medlatec

5. Phòng ngừa lóc tách động mạch chủ

Một số yếu tố nguy cơ bóc tách động mạch chủ không thể thay đổi, chẳng hạn như bẩm sinh đã mắc một số bệnh tim, rối loạn mô liên kết hoặc yếu tố di truyền, tiền sử gia đình. Tuy nhiên, tương tự như nhiều bệnh lý khác, bạn có thể giảm thiểu rủi ro lóc tách động mạch chủ bằng cách thay đổi các yếu tố nguy cơ như:

  • Hạ huyết áp xuống mục tiêu 120/80 mmHg bằng thuốc, thay đổi chế độ ăn uống như ăn giảm muối, nhiều rau xanh, ít mỡ động vật, thay bằng dầu thực vật, tập thể dục đều đặn, kiểm soát căng thẳng, tránh thừa cân – béo phì…
  • Bỏ hút thuốc lá.
  • Tránh để xảy ra tai nạn gây thương tích vùng ngực.
  • Khám sức khỏe định kỳ hoặc bất cứ khi nào có dấu hiệu bất thường.

Máy chụp cắt lớp vi tính SIEMENS go.Top 128 dãy tại Bệnh viện Đa khoa Medlatec

Đến với Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh MEDLATEC quý khách hàng sẽ được trải nghiệm:

- Trang thiết bị y tế hiện đại, tiên tiến.

- Kỹ thuật được thực hiện nhanh chóng với thời gian ngắn nhất

- Kết quả được đọc, hội chẩn bởi bác sỹ, chuyên gia hàng đầu tại Trung tâm chẩn đoán hình ảnh MEDLATEC.

- Tư vấn kết quả trực tuyến miễn phí.

- Nhận kết quả nhanh chóng trực tiếp hoặc online, quét QR, qua app MY MEDLATEC.

- Kết nối hội chẩn trực tuyến với các chuyên gia hàng đầu ở các chuyên ngành khi cần thiết.

Quý khách hàng hãy đặt lịch trước để chủ động thời gian qua các hình thức dưới đây:

Tổng đài: 1900565656

Webside: https://medim.vn

Email: info@medim.vn

Tải ứng dụng y tế MyMedlatec để quản lý sức khỏe tại: http://mymedlatec.medon.vn/app 

Địa chỉ bệnh viện: 42-44 Nghĩa Dũng, Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội.

CN Đặng Thành Dương


Bài viết cùng chuyên mục