Bệnh phổi kẽ

Ngày 11/11/2023

Phổi là một cơ quan cực kỳ quan trọng đối với cơ thể con người, có chức năng trao đổi khí với môi trường bên ngoài giúp duy trì các hoạt động hàng ngày. Chính vì vậy, phổi rất dễ bị tổn thương do các tác động tiêu cực từ môi trường bên ngoài (ô nhiễm khói bụi, khói thuốc, hóa chất độc hại, tia phóng xạ,...). Bệnh lý của phổi cũng vô cùng đa dạng từ cấp tính đến mạn tính, trong đó bệnh phổi kẽ đang có chiều hướng gia tăng nhanh, bệnh có quá trình phát triển chậm nên rất khó phát hiện, nếu tiến triển nặng có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Đây là bệnh lý phổi mạn tính nguy hiểm nhưng ít được quan tâm đến, bệnh thường gây ra các triệu chứng không điển hình nên dễ bị người bệnh bỏ qua hoặc tự điều trị tại nhà khiến tình trạng trở nên nặng nề hơn.

Vừa qua, một bệnh nhân nam 33 tuổi, thường trú tại Sơn La đến Phòng khám Đa khoa MEDLATEC Thanh Xuân (số 3 Khuất Duy Tiến, Hà Nội) để kiểm tra sức khỏe định kỳ với thể trạng hoàn toàn khỏe mạnh. Được biết, bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá nhiều năm.

Sau khi thăm khám lâm sàng, bệnh nhân được chỉ định chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp không tiêm thuốc cản quang.

Kết quả chụp phát hiện tổn thương dày các vách liên tiểu thùy dạng tổ ong (honeycombing) chủ yếu tại thùy trên và phân thùy đáy sau thùy dưới hai bên phổi, kèm theo dày thành và giãn phế quản, giãn phế nang. Kết quả đo chức năng hô hấp (kỹ thuật giúp kiểm tra chức năng thông khí của phổi) cũng phát hiện tình trạng rối loạn thông khí tắc nghẽn mức độ vừa.

Sau khi hội chẩn, các chuyên gia tại Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh MEDLATEC kết luận bệnh nhân mắc bệnh phổi kẽ gây ảnh hưởng đến chức năng hô hấp của phổi, người bệnh sau đó được tư vấn theo dõi và uống thuốc điều trị.

Một số hình ảnh minh họa bệnh nhân

Hình ảnh chụp CLVT lồng ngực của bệnh nhân tại Hệ thống Y tế MEDLATEC

Hình ảnh chụp CLVT lồng ngực của bệnh nhân tại Hệ thống Y tế MEDLATEC

I. Bệnh phổi kẽ là gì?

Bệnh phổi kẽ hay bệnh nhu mô phổi lan tỏa là thuật ngữ chỉ một nhóm bệnh gây tổn thương tổ chức kẽ của phổi (bao gồm biểu mô phế nang, biểu mô mao mạch phổi, màng nền, tổ chức quanh mạch máu và quanh hệ lympho) gây ảnh hưởng đến quá trình hô hấp và khó đưa đủ oxy vào máu. Khi phổi bị tổn thương sẽ kích thích quá trình tự sửa chữa, tuy nhiên ở những người mắc viêm phổi kẽ quá trình này diễn ra không thuận lợi khiến các tổ chức quanh phế nang dày lên và hình thành sẹo. Một số bệnh phổi kẽ hay gặp là:

  • Viêm phổi tăng cảm
  • Xơ hóa phổi vô căn
  • Viêm phổi tăng bạch cầu ái toan
  • Viêm phổi kẽ
  • Bụi phổi nghề nghiệp

Các tổn thương sẹo phổi do bệnh phổi kẽ gây ra không thể hồi phục được, các phương pháp điều trị chủ yếu giúp cải thiện triệu chứng cho người bệnh và làm chậm quá trình tổn thương các tổ chức kẽ. Một vài loại thuốc thường được sử dụng bao gồm thuốc giảm viêm, chống xơ hóa, chống trào ngược dạ dày,... bệnh nhân cũng có thể cải thiện chức năng phổi bằng các bài tập thở và vật lý trị liệu giúp phổi khỏe và dễ hô hấp hơn.

Một vài biến chứng nguy hiểm có thể gặp ở người mắc bệnh phổi kẽ là: tăng huyết áp phổi, suy tim phải, suy hô hấp. 

II. Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh viêm phổi kẽ

Các đối tượng sau đây có nguy cơ cao mắc bệnh phổi kẽ:

  • Những người cao tuổi (trên 70)
  • Nam giới có tỷ lệ mắc cao gấp nhiều lần nữ giới
  • Hút thuốc lá hoặc có tiền sử hút thuốc, lạm dụng các chất kích thích
  • Có tiền sử mắc các bệnh lý như lao phổi, viêm phổi, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), viêm gan C, trào ngược dạ dày thực quản
  • Người làm việc trong môi trường ô nhiễm như khai thác mỏ, than đá, khai thác đá, luyện kim, xây dựng
  • Thường xuyên tiếp xúc với hóa chất công nghiệp độc hại như amiang, silic, nấm mốc, nấm hoặc vi khuẩn
  • Đã từng hóa trị hoặc xạ trị

Người làm nghề khai thác than đá có nguy cơ rất cao mắc bệnh phổi kẽ

III. Triệu chứng 

Khi mắc bệnh phổi kẽ, người bệnh sẽ xuất hiện các biểu hiện như tức ngực, ho khan, thở gắng sức và tăng dần khi hoạt động nặng, kèm theo thường xuyên mệt mỏi, sụt cân, khó chịu ở ngực. Các triệu chứng này không điển hình nên rất dễ bị nhầm lẫn với bệnh phổi thông thường và dễ dàng bị người bệnh bỏ qua. Một số triệu chứng khác có thể gặp là ho ra máu, sưng đau khớp, nổi hạch.

IV. Các phương pháp chẩn đoán bệnh viêm phổi kẽ

  • Chụp X quang phổi: chụp X quang là phương pháp thường được lựa chọn đầu tiên để phát hiện các tổn thương ở phổi. Tuy nhiên, với các tổn thương nhỏ hoặc bị chồng lấp nhiều bởi các cơ quan khác sẽ khó phát hiện được trên hình ảnh chụp x quang thông thường.
  • Chụp cắt lớp vi tính phân giải cao (HRCT): chụp CT sử dụng tia X chiếu qua cơ thể để tạo tín hiệu, máy tính sau đó thu nhận, xử lý và tái tạo để cho ra hình ảnh đa chiều về bộ phận cần khảo sát. Kỹ thuật này có độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao trong chẩn đoán bệnh phổi kẽ cũng như nhiều bệnh lý khác của phổi, giúp xác định chính xác vị trí, mức độ và sự phân bố của tổn thương. HRCT có thể được dùng để tầm soát các bệnh lý về phổi, vùng trung thất và các bệnh lý tiềm ẩn (ung thư, khí phế thũng, COPD,...)
  • Đo chức năng hô hấp: người bệnh sẽ hút thổi theo hiệu lệnh của kỹ thuật viên vào một ống thổi dẫn đến máy đo để xác định chính xác lưu lượng không khí mà người bệnh có thể hít vào và thở ra. Bác sĩ sẽ dựa vào kết quả đo được để chẩn đoán chức năng phổi của người bệnh có hoạt động bình thường hay không.
  • Một vài phương pháp khác có thể được sử dụng: nội soi phế quản, sinh thiết, xét nghiệm máu.

Chụp CT là phương pháp tốt nhất để chẩn đoán bệnh lý về phổi

Người bệnh khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ bệnh lý có thể đến ngay các cơ sở khám chữa bệnh chất lượng cao của Medlatec tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác (Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa,...) để được trải nghiệm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất hiện nay. Tại hệ thống MEDLATEC đã trang bị đầy đủ hệ thống máy siêu âm tiên tiến, máy chụp MSCT đa dãy và máy chụp cộng hưởng từ 1.5Tesla hiện đại của Mỹ, giúp ích rất nhiều trong tầm soát và chẩn đoán nhiều bệnh lý khác nhau. Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được tư vấn và đặt lịch!

KTV Nguyễn Thành Lộc

 


Bài viết cùng chuyên mục