Chấn thương lách

Ngày 18/11/2023

Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC có tiếp nhận một nam bệnh nhân 42 tuổi. Bệnh nhân đi xe máy, tự ngã, bị va đập vùng bụng vào gương chiếu hậu. Sau ngã, bệnh nhân tỉnh, sưng đau vùng má trái, đau bụng nhiều. Bệnh nhân tự về nhà, ở nhà và chưa điều trị gì. Bệnh nhân vào viện khám và được bác sĩ chỉ định chụp CLVT ổ bụng có tiêm thuốc cản quang. Kết quả chụp phát hiện có hình ảnh tụ máu dưới bao lách do vỡ nhỏ cực trên lách (độ I theo AAST) kèm theo có nhiều dịch tự do ổ bụng (dịch lẫn máu) tập trung vùng quanh gan, lách, và tiểu khung.

Hình ảnh bệnh nhân chấn thương lách chụp CLVT tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC

Hình ảnh bệnh nhân chấn thương lách chụp CLVT tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC

1. Chấn thương lách là gì?

Lách là một tạng trong cơ thể. Lách có màu nâu, nằm ở tầng trên mạc treo đại tràng ngang, lách nằm bên trái dạ dày ở ô dưới hành trái. Trục của lách là xương sườn thứ 9 đến thứ 11 ở bên trái.

Lách đóng vai trò quan trọng đối với các tế bào máu đỏ (hồng cầu) và hệ thống miễn dịch. Nó lọc bỏ các tế bào hồng cầu già và chứa máu dự trữ được dùng trong trường hợp khẩn cấp như sốc xuất huyết. Ngoài ra, nó còn tái chế sắt từ các tế bào hồng cầu đã lọc bỏ. Là một phần của hệ thống thực bào đơn nhân, nó tiêu hóa các hemoglobin lọc bỏ từ các tế bào hồng cầu già. Phân tử globin được phân hủy thành các amino acid và nhóm heme được chuyển hóa thành sắc tố mật để giúp gan tiết mật phục vụ tiêu hóa. Ngoài ra, lách tổng hợp kháng thể ở tủy trắng và lọc bỏ vi khuẩn và tế bào hồng cầu đã bị bao bọc bởi kháng thể qua quá trình lọc máu và tuần hoàn bạch huyết.

Chấn thương lách là tình trạng thường gặp trong các ca chấn thương bụng kín do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt. Vỡ lách thường gây chảy máu trong ổ bụng, mức độ chảy máu tùy thuộc vào cơ chế chấn thương và độ vỡ nặng nhẹ có thể gây tử vong rất nhanh nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.

 2. Nguyên nhân gây chấn thương lách là gì?

- Do những tổn thương ở phía bên trái của cơ thể được gây ra bởi một đòn đánh vào bụng trên bên tráu hoặc thấp hơn ngực trái, tai nạn trong thể thao, tai nạn giao thông. Lá lách bị chấn thương có thể vỡ ngay hoặc trong một số trường hợp là vài ngày hay cả tuần sau khi chấn thương..

- Vỡ lách do lá lách mở rộng: Bắt nguồn từ sự tích tụ tế bào máu trong lá lách gây ra bởi bạch cầu đơn nhân và các bệnh nhiễm trùng khác, bệnh gan hoặc ung thư máu.

3. Các phân độ chấn thương lách

Theo Hội phẫu thuật chấn thương Mỹ (AAST) , vỡ lách trong chấn thương bụng kín được chia ra thành 5 cấp độ khác nhau:

  • Độ I: Tụ máu dưới bao <10% diện tích bề mặt, rách nhu mô sâu <1cm, rách bao lách
  • Độ II: Tụ máu dưới bao 10-50% diện tích bề mặt, tụ máu trong nhu mô <5cm, rách nhu mô sâu 1-3cm
  • Độ III: Tụ máu dưới bao >50% diện tích bề mặt, vỡ dưới bao hoặc tụ máu trong nhu mô >5cm, rách nhu mô sâu >3cm
  • Độ IV: Bất kỳ chấn thương nào có chấn thương mạch máu lách hay chảy máu hoạt động được giới hạn trong bao lách, rách nhu mô liên quan đến các nhánh mạch hay rốn lách gây giảm tưới máu >25%
  • Độ V: Lách vỡ nhiều mảnh, bất kỳ chấn thương nào có chấn thương mạch máu hay chảy máu hoạt động vượt qua giới hạn của lách đến khoang phúc mạc.

 4. Các triệu chứng bệnh nhân gặp phải khi bị chấn thương lách

Vỡ lách dù ở mức độ nào cũng cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời tránh những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Bác sĩ có thể dựa trên một số triệu chứng sau:

  • Bệnh nhân cảm thấy đau ở bên trái bụng, mức độ đau còn tùy thuộc vào mức độ tổn thương, lúc đầu đau tại vị trí tổn thương, sau lan khắp bụng, đau tăng dần
  • Đau vai trái do vị trí lá lách vỡ gây kích thích các dây thần kinh
  • Lách vỡ gây chảy máu bên trong, dẫn đến tình trạng tụt huyết áp làm bệnh nhân có triệu chứng: khó thở, buồn nôn, lo lắng, xanh xao, choáng váng, nhìn mờ, ngất xỉu,....

5. Các biến chứng khi bị chấn thương lách 

Chấn thường lách thường được chẩn đoán muộn do các triệu chứng của bệnh nhân không rõ ràng. Chấn đoán muộn khiến cho việc cấp cứu hồi sức không kịp thời và có thể dẫn đến tử vong. Ngoài ra, các biến chứng khác có thể gặp là:

  • Xuất huyết ổ bụng, áp xe ổ bụng
  • Tắc ruột hoặc liệt ruột
  • Hội chứng tăng áp lực ổ bụng

 6. Các phương pháp chẩn đoán chấn thương lách

Để chẩn đoán chấn thương lách, đầu tiên bác sĩ sẽ dựa vào nguyên nhân khiến bệnh nhân nhập viện thăm khám: Có phải do bị chấn thương bụng kín hay đa chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt không? Đồng thời, bác sĩ còn dựa vào các triệu chứng toàn thân và vùng bụng của bệnh nhân

  • Triệu chứng toàn thân: Da xanh xao, mặt lừ đừ, đổ mồ hôi, tay chân lạnh, hạ huyết áp, tĩnh mạch cổ xẹp,...
  • Triệu chứng tại vùng bụng như: Đau vùng bụng hạ sườn trái, lan lên khắp bụng, vùng chấn thương da bị bầm dập, ấn đau các xương sườn, bụng chướng, chọc dò ổ bụng thấy có máu loãng không đau.

Bước tiếp theo trong chẩn đoán chấn thương lách chính là các xét nghiệm cận lâm sàng:

  • Xét nghiệm máu: Kiểm tra hồng cầu, HCT giảm, bạch cầu tăng
  • Chụp X quang bụng không chuẩn bị: Quan sát có thể thấy gãy các xương sườn trái và mở rộng khoảng gian sườn cận phúc mạc- đại tràng xuống
  • Siêu âm: Hiện đang là kỹ thuật chẩn đoán sớm nhất trong chấn thương lách. Hình ảnh siêu âm có thể thấy được dịch trong ổ bụng ở khoang Morrison và rãnh đại tràng trái, thấy đường vỡ lách và bóng lách to hơn bình thường, hình ảnh tụ dịch quanh lách, tụ dịch dưới bao lách.
  • CT Scanner bụng có tiêm thuốc cản quang: Một trong những phương pháp tốt nhất giúp đánh giá tổn thương lách cùng phân độ vỡ lách.
  • Chụp MRI: Dùng cho bệnh nhân bị suy thận hoặc bị dị ứng với thuốc cản quang, không thể chụp cắt lớp vi tính có tiêm thuốc cản quang
  • Chọc dò ổ bụng: Đây là phương pháp xác định nhanh chảy máu trong ổ bụng, thường áp dụng trong những trường hợp chảy máu nhiều ảnh hưởng nhiều đến tình trạng toàn thân.

 7. Phương pháp điều trị chấn thương lách

Hiện nay đang có 3 phương pháp điều trị chấn thương lách phổ biến. Dựa vào mức độ chấn thương lách, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp:

  • Phương pháp phậu thuật cắt lách

Thường được chỉ định khi bệnh nhân vỡ lách gây xuất huyết nội kèm theo sốc và nguy cơ tử vong. Lách vỡ độ 5, có tổn thương kết hợp với nhiễm trùng, lách bệnh lý kèm tiền sử rối loạn đông máu, điều trị bảo tồn thất bại.

  • Phương pháp phẫu thuật bảo tồn lách

Bác sĩ tiến hành khâu lách khi lách bị vỡ độ 1,2,3, đường vỡ đơn giản. Cắt một phần/bán phần lách trong vỡ lách độ 3 có đường vỡ phức tạp. Bọc lách trong rọ Dexon.

  • Phương pháp bảo tồn lách theo dõi không mổ

Thường được chỉ định khi tổn thương lách đơn thuần, vỡ lách độ 1,2 và bệnh nhân có tổng trạng ổn, không bị rối loạn đông máu, ít dịch ổ bụng, bệnh nhân dưới 55 tuổi. Bác sĩ sẽ theo dõi tại phògn cấp cứu, khám lâm sàng liên tục 4-6 tiếng/lần, đồng thời theo dõi Hemoglobin và tiến hành chụp CT sau 48-72 giờ khi có thay đổi huyết động.

8. Cách phòng ngừa chấn thương lách

Để phòng ngừa hậu quả do chấn thương lách tốt thì bệnh nhân nếu gặp phải tai các chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, hay tai nạn thể thao mà kèm theo triệu chứng đau vùng bụng ngực trái, người bệnh nên đi khám ngay. Thông qua các phương pháp chẩn đoán hiện đại, bác sĩ sẽ kiểm tra toàn diện, phát hiện chấn thương lách hoặc một số biến chứng khác và đưa ra biện pháp xử trí kịp thời

Trường hợp được chẩn đoán lá lách mở rộng thì người bệnh cần tránh các hoạt động có thể gây tổn thương làm vỡ lách trong một vài tuần, ví dụ: các môn thể thao, các vận động mạnh,...

Hiện nay, bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với các chuyên gia giỏi, giàu kinh nghiệm, trang thiết bị y tế tân tiến, hiện đại như máy CT 128 dãy, MRI 1.5T,...tự tin thăm khám, sàng lọc, điều trị cho các quý khách hàng một cách hiệu quả,nhanh chóng, chính xác.

KTV Nguyễn Văn Thuấn


Bài viết cùng chuyên mục