Ung thư hạ họng

Ngày 27/11/2023

 Bệnh nhân nam 55 tuổi, thường trú tại Hưng Yên đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC (số 42-44 Nghĩa Dũng, Hà Nội) đến khám với lý do ho nhiều, sờ thấy khối vùng cổ trái.

Qua khai thác tiền sử được biết, khoảng 2 tháng trước, bệnh nhân xuất hiện ho khạc đờm trắng, đau rát họng, ợ hơi, nổi hạch góc hàm trái, nuốt vướng vùng họng trái, chỉ ăn uống được miếng nhỏ, không sút cân, không đau họng. Bệnh nhân có tiền sử uống rượu, hút thuốc lá nhiều, hơn 40 bao/năm. Sau khi thăm khám, bệnh nhân được bác sĩ lâm sàng chỉ định nội soi tai mũi họng, siêu âm tuyến giáp phát hiện khối giảm âm vùng cổ trái, theo dõi hạch bất thường vùng cổ trái. Bệnh nhân được tư vấn chụp Cộng hưởng từ vùng cổ có tiêm để bổ sung chẩn đoán.

Kết quả chụp cho thấy hình ảnh khối u thành bên họng bên trái, nghi ngờ xuất phát từ xoang lê bên trái, đè đẩy và xâm lấn xung quanh.

Một số hình ảnh minh họa:

Hình ảnh nội soi khối u lớn tăng sinh từ hạ họng bên trái đẩy phồng băng thanh thất và thành họng trái

  Hình ảnh hạch vùng cổ trái trên siêu âm Hình ảnh khối giảm âm bên trong có vi vôi hóa vùng cổ trái

Hình ảnh Cộng hưởng từ khối u hạ họng trái

Đại cương về ung thư hạ họng?

Là ung thư xuất phát từ vùng hạ họng ( thường gặp ở vùng xoang lê), khi ung thư lan rộng vào thanh quản được gọi là ung thư hạ họng- thanh quản.

Tại Việt Nam đây là ung thư đứng thứ 2 sau ung thư vòm trong các bệnh lý ung thư vùng tai mũi họng. Ung thư hạ họng thường gặp phổ biến ở độ tuổi 45-65 với tỉ lệ nam/nữ = 5/1.

Phần lớn bệnh nhân ung thư hạ họng thanh quản đến viện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, đã di căn hạch nên điều trị ít hiệu quả, tiên lượng xấu.

Ung thư hạ họng thường diễn biến thầm lặng trong thời gian dài. Triệu chứng ung thư hạ họng xuất hiện từ từ, bao gồm:

  • Rối loạn nuốt: khó nuốt, nuốt vướng ngày càng tăng dần, đầu tiên là một bên sau lan sang 2 bên họng.
  • Đau đau họng kéo dài, tăng dần, có thể kèm theo đau tai.
  • Nổi hạch vùng cổ: hạch rắn, chắc, di động hạn chế, không đau.
  • Giai đoạn muộn, bệnh nhân có biểu hiện sút cân, khó thở và khàn tiếng do khối u xâm lấn vào thanh quản, dây thần kinh.

Nguyên nhân gây ung thư hạ họng

- Nguyên nhân ung thư hạ họng chưa được xác định rõ ràng. Một số yếu tố nguy cơ liên quan đến ung thư hạ họng bao gồm:

  • Hút thuốc lá: mức độ hút thuốc lá tỷ lệ thuận với tỷ lệ mắc ung thư vùng hạ họng.
  • Nghiện rượu: uống rượu kéo dài gây các kích thích tại chỗ vùng niêm mạc họng. Hút thuốc lá và nghiện rượu là hai yếu tố nguy cơ chính của ung thư hạ họng.
  • Vệ sinh răng miệng kém: vệ sinh răng miệng kém làm các vi khuẩn hội sinh phát triển mạnh gây nên các viêm nhiễm mãn tính vùng họng, kích thích viêm kéo dài là yếu tố thuận lợi của ung thư hạ họng.
  • Virus HPV: nhiễm vi rút HPV là yếu tố nguy cơ của ung thư vòm mũi họng trong đó có ung thư hạ họng.
  • Kích thích mạn tính vùng họng do trào ngược dạ dày thực quản
  • Hội chứng Plummer-Vinson: đặc trưng bởi tình trạng khó nuốt, thiếu máu thiếu sắt và lưới thực quản. Bệnh có liên quan đến tăng tỷ lệ ung thư hạ họng ở các phụ nữ không hút thuốc lá vùng Bắc Bắc Âu.

- Môi trường: ô nhiễm môi trường hoặc công nhân tiếp xúc với A-mi-ăng, bụi gỗ làm tăng nguy cơ mắc ung thư hạ họng.

Đặc điểm ung thư hạ họng trên hình ảnh

  • Nội soi thanh quản-hạ họng: nội soi thanh quản hạ họng bằng ống cứng hoặc ống mềm giúp đánh giá trực tiếp tổn thương: vị trí, số lượng, tính chất khối u và giúp sinh thiết chẩn đoán
  • Chụp cắt lớp vi tính vùng cổ: đánh giá chính xác vị trí, kích thước, sự lan rộng của khối u, mức độ xâm lấn tổ chức xung quanh và các tổn thương lan xa; đánh giá số lượng và kích thước hạch cổ
  • Trên hình ảnh Cộng hưởng từ vùng cổ: MRI có khả năng vượt trội hơn CLVT trong việc xác định giai đoạn cục bộ và đánh giá sự lan rộng quanh dây thần kinh
  • Chuỗi xung T1 cho hình ảnh tín hiệu trung gian hoặc giảm tín hiệu.
  • Chuỗi xung T2 cho hình ảnh tín hiệu trung gian hoặc tăng tín hiệu.
  • Sau tiêm thuốc: hình ảnh khối u ngấm thuốc mạnh, khối u lớn có thể hoại tử trung tâm

Hình ảnh chụp MRI vùng cổ của một ca lâm sàng điển hình

Vậy làm thế nào để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh.

Bên cạnh tìm hiểu các triệu chứng để nhận biết bệnh sớm, bạn cũng có thể phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh bằng một số biện pháp sau:

Từ bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia.

Đảm bảo thói quen ăn uống lành mạnh, ăn nhiều rau củ, hạn chế ăn thức ăn nhiều dầu mỡ.

Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, không thực hiện qua loa.

Làm việc trong môi trường có nhiều khói bụi, hóa chất độc hại thì phải trang bị quần áo, phương tiện bảo hộ cần thiết.

Tham gia các hoạt động thể dục thể thao vừa sức, cân đối thời gian cho việc nghỉ ngơi, thư giãn, tránh làm việc quá độ.

Thăm khám sức khỏe định kỳ.

Bệnh nhân nếu có bất kỳ triệu chứng khàn tiếng, khó thở, nuốt vướng có thể đến Bệnh viện đa khoa MEDLATEC để được thăm khám.

Quý khách hàng hãy đặt lịch trước để chủ động thời gian qua các hình thức dưới đây:

Tổng đài: 1900 56 56 56 hoặc 0846 248 000

Webside: https://medim.vn

Email: [email protected]

Tải ứng dụng y tế MyMedlatec để quản lý sức khỏe tại: http://mymedlatec.medon.vn/app

CN. Lê Thị Hồng


Bài viết cùng chuyên mục