Không nên chủ quan với các chấn thương vùng đầu gối
Chấn thương khớp gối là tình trạng thường gặp ở những người chơi thể thao hoặc có thể gặp phải trong tai nạn sinh hoạt, công việc hàng ngày. Thông thường khi gặp phải các vấn đề vùng đầu gối, người bệnh sẽ tự theo dõi và điều trị tại nhà, điều này phù hợp với các chấn thương nhẹ, còn các chấn thương nặng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận động của người bệnh.
Trường hợp chấn thương vùng đầu gối tại MEDLATEC
Bệnh viện đa khoa Medlatec ghi nhận rất nhiều các trường hợp chấn thương đầu gối khi chơi thể thao nhưng chủ quan không đi thăm khám, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi, điển hình như trường hợp của BN nam N.H.C.T 19 tuổi bị đau khi chơi bóng bầu dục khoảng một năm nay, bệnh nhân tự điều trị tại nhà và tiếp tục chơi bóng trong một thời gian dài. Tại thời điểm thăm khám, đầu gối bệnh nhân sưng nóng, đau nhiều khi vận động mạnh, khó gập đầu gối. Hình ảnh chụp cộng hưởng từ khớp gối của bệnh nhân cho thấy dây chằng chéo trước đã đứt hoàn toàn độ 4 và rách sừng sau sụn chêm ngoài độ 3 kèm theo kén thoát vị bao hoạt dịch. Trong trường hợp này, giai đoạn đầu có thể chỉ bị các tổn thương nhẹ, tuy nhiên người bệnh vẫn tiếp tục chơi thể thao và không có chế độ nghỉ ngơi hợp lý nên đã dẫn đến các tổn thương nặng nề về dây chằng và sụn chêm.
Hình ảnh chụp MRI khớp gối của bệnh nhân nam tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC
Hay như trường hợp của BN nữ N.H.P 19 tuổi gặp tai nạn xe máy 3 tháng trước nhưng không đi kiểm tra, sau đó 1 tháng người bệnh tiếp tục bị chấn thương khớp gối do bước hụt cầu thang. Khi người bệnh tự điều trị không thuyên giảm và khớp gối bắt đầu sưng nóng, khó vận động thì bệnh nhân mới đi chụp. Khi đi chụp cộng hưởng từ, chị P bất ngờ về kết quả nhận được khi dây chằng chéo trước đứt hoàn toàn, đứt bán phần dây chằng bên mác kèm theo tràn dịch khớp gối nhiều. Đa số các trường hợp chấn thương khớp gối ở những người trẻ tuổi đều có tâm lý chung là không đi kiểm tra, thậm chí là không cần nghỉ ngơi hay điều trị gì cả, chính vì thế khi đến bệnh viện thì đều đã có các tổn thương nghiêm trọng.
Hình ảnh chụp MRI khớp gối của bệnh nhân nữ tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC
Các tổn thương thường gặp khi bị chấn thương khớp gối
- Đứt dây chằng chéo: dây chằng chéo giữ cho mâm chày không bị trượt ra trước hay sau hoặc xoay quá mức, điều này giúp khớp gối của chúng ta vận động linh hoạt nhưng vô cùng chắc chắn. Tổn thương dây chằng chéo thường gặp khi nhảy cao chân tiếp đất ở tư thế không thuận lợi hoặc xoay người khi bàn chân vẫn đứng im. Trong đa số các trường hợp chấn thương khớp gối, đứt dây chằng chéo trước thường gặp nhất và hay kèm theo một số tổn thương về sụn chêm, sụn khớp, bao hoạt dịch.
- Tổn thương dây chằng bên: hay gặp ở các vận động viên thể thao, dây chằng bên kết nối giữa xương đùi với hai xương cẳng chân.
- Rách sụn chêm: sụn chêm là lớp sụn nằm lót giữa các khớp xương để giúp khớp vận động trơn tru, đồng thời hấp thụ và phân tán lực đồng đều lên khớp gối. Khi khớp gối bị va đập mạnh rất dễ bị rách, vỡ, bong sụn chêm.
- Gãy xương: khi va đập mạnh vùng đầu gối vào các vật cứng hay bị vật nặng đè lên rất dễ dẫn đến gãy xương, hay gặp nhất là vỡ xương bánh chè và vỡ mâm chày. Khi vỡ xương có thể kèm theo các tổn thương về dây chằng, sụn chêm, mạch máu hay trật khớp.
Đứt dây chằng là tổn thương thường gặp khi chấn thương khớp gối
Vai trò của chẩn đoán hình ảnh trong bệnh cảnh chấn thương khớp gối
- Chụp x quang khớp gối: chụp x quang được sử dụng rất phổ biến khi có nghi ngờ tổn thương xương trong chấn thương. Chụp x quang giúp phát hiện đường vỡ, gãy xương, trật khớp hoặc vị trí bong điểm bám gân. Đây là phương pháp rất nhanh chóng, an toàn, giá thành rẻ.
- Siêu âm: cùng với x quang thì siêu âm là kỹ thuật được chỉ định đầu tiên khi có chấn thương đầu gối, giúp đánh giá sơ bộ về các tổn thương phần mềm và dây chằng, từ đó lựa chọn các phương pháp chuyên sâu phù hợp.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): phương pháp này giúp đánh giá chi tiết hơn về mức độ gãy xương, tràn dịch bằng các lát cắt ngang qua vùng khớp gối với độ dày lát cắt vài milimet, hơn thế hình ảnh chụp cắt lớp vi tính có thể dựng 3D giúp quan sát tổn thương một cách sống động, rõ nét.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn tỏ ra ưu việt và hữu ích nhất trong phát hiện các tổn thương của khớp gối như đứt dây chằng, rách sụn chêm, tụ dịch, tổn thương phần mềm, phù xương,...Hình ảnh chụp Mri có độ tương phản mô mềm cực kỳ tốt mà các kỹ thuật khác khó có được, chính vì thế khi có nghi ngờ tổn thương về sụn, dây chằng, mạch máu, phần mềm quanh khớp thì phương pháp này luôn là lựa chọn ưu tiên hàng đầu.
Cách phòng ngừa chấn thương khớp gối trong khi chơi thể thao
- Tập thể dục và khởi động thật kỹ trước khi chơi thể thao để giúp giãn cơ và giảm thiểu nguy cơ bị căng cơ, bong gân trong khi vận động mạnh, đồng thời tăng sức mạnh cho cơ bắp.
- Sử dụng giày đạt tiêu chuẩn và phù hợp với các môn thể thao khác nhau, chọn giày đúng kích cỡ với bàn chân, nên chọn loại giày đế mềm để giúp giảm bớt lực tác động lên cổ chân và đầu gối.
- Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ, bảo vệ đầu gối khi chơi thể thao
- Hạn chế các động tác khó, nguy hiểm cho vùng đầu gối, tránh các va chạm mạnh không cần thiết, không nên vận động quá sức.
Chụp MRI khớp gối giúp đánh giá rất tốt các tổn thương phần mềm
Tại hệ thống MEDLATEC đã trang bị đầy đủ hệ thống máy chụp x quang, siêu âm tiên tiến, máy chụp MSCT đa dãy và máy chụp cộng hưởng từ 1.5Tesla hiện đại của Mỹ, giúp ích rất nhiều trong tầm soát và chẩn đoán nhiều bệnh lý khác nhau. Các cơ sở khám chữa bệnh chất lượng cao của Medlatec tại Hà Nội:
Cơ sở 1: 42-44 Nghĩa Dũng, Ba Đình, Hà Nội
Cơ sở 2: 99 Trích Sài, Tây Hồ, Hà Nội
Cơ sở 3: 5 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Quý khách hàng hãy đặt lịch trước để chủ động thời gian qua các hình thức dưới đây:
Tổng đài: 1900 56 56 56 hoặc 0846 248 000
Website: https://medim.vn
Email: [email protected]
Tải ứng dụng y tế MyMedlatec để quản lý sức khỏe tại: https://mymedlatec.medon.vn/app
KTV Nguyễn Thành Lộc