Những điều cần biết về bệnh lý lõm lồng ngực bẩm sinh
Lõm lồng ngực bẩm sinh là bệnh lý không hề hiếm gặp ở trẻ em hiện nay, theo một nghiên cứu gần đây, tỷ lệ trẻ mắc bệnh lý này là khoảng 1/300-400 và số bé trai mắc gấp ba lần số bé gái. Khi tình trạng lõm ngực phát triển nặng có thể gây chèn ép tim phổi gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Chúng ta cùng đi tìm hiểu nguyên nhân, các phương pháp chẩn đoán và cách nhận biết các dấu hiệu nghi ngờ trẻ bị lõm lồng ngực qua bài viết sau đây.
1. Bệnh lõm lồng ngực là gì?
Bệnh lý lõm lồng ngực bẩm sinh hay ngực hình phễu là một dị tật xảy ra do sự phát triển quá mức của mô liên kết giữa xương sườn và xương ức khiến các xương này phát triển vào trong làm thành ngực có vẻ trũng xuống. Trong đa số các trường hợp, tình trạng này chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình và thẩm mỹ của người bệnh, tuy nhiên ở một số trường hợp khác, nó có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng liên quan đến tim phổi. Nguyên nhân gây ra bệnh lý này vẫn chưa được xác định rõ, tuy nhiên theo nhiều chuyên gia tin rằng nguyên nhân chủ yếu là do di truyền.
Bệnh lõm ngực rất dễ phát hiện ở trẻ nhỏ, đặc biệt là khi trẻ bắt đầu dậy thì hoặc ở độ tuổi thanh thiếu niên, khi đó hệ xương và cơ phát triển mạnh nên có thể dễ dàng quan sát vùng ngực bị lõm xuống. Bệnh có xu hướng nặng lên khi trẻ lớn và bắt đầu gây ra các triệu chứng lâm sàng, nhất là khi vận động cường độ cao. Một vài biến chứng thường gặp của bệnh lõm ngực đó là:
- Cong vẹo cột sống: theo thống kê có khoảng 15% trẻ mắc lõm lồng ngực tiến triển thành vẹo cột sống.
- Còi xương, gầy gò: do thiếu vitamin D, canxi dẫn đến kém phát triển xương.
- Hội chứng Poland: là một dị tật bẩm sinh hiếm gặp do sự kém phát triển hoặc mất hẳn một bên cơ ngực.
Hình ảnh lõm ngực rõ nét khi trẻ lớn
2. Triệu chứng ở người mắc lõm lồng ngực
Các trường hợp nhẹ hoặc trẻ nhỏ thường không có triệu chứng rõ rệt nào, các dấu hiệu sẽ xuất hiện nhiều hơn khi trẻ lớn hay khi dậy thì, một số triệu chứng có thể gặp là:
- Không thể tập thể dục bình thường: đây là triệu chứng phổ biến nhất, người bệnh sẽ hay bị khó thở, mệt mỏi và đánh trống ngực (cảm giác tim đập nhanh hoặc đập thình thịch).
- Bị đau ngực khi tập thể dục, hen suyễn hoặc nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên.
- Ngất xỉu hoặc chóng mặt
- Ngoài những triệu chứng thể chất này, có thể có những ảnh hưởng về tâm lý, bao gồm tự ti về ngoại hình, kém tự tin trong cuộc sống hàng ngày và trầm cảm.
3. Cách điều trị bệnh lõm lồng ngực
Các trường hợp lõm ngực nhẹ không cần phải điều trị hay dùng thuốc nếu không gây ra triệu chứng lâm sàng nào. Phần lớn các trường hợp điều trị khi người bệnh đang trong độ tuổi 13-23 và mục đích phẫu thuật là do chức năng tim phổi bị ảnh hưởng chứ không phải vì yếu tố thẩm mỹ. Các phương pháp điều trị lõm ngực hay được sử dụng là:
- Phương pháp Ravitch: đây là phương pháp phẫu thuật mở lồng ngực loại bỏ toàn bộ sụn sườn cũ nhưng giữ lại màng sụn, các sụn sườn mới sẽ phát triển theo màng sụn cũ đã được điều chỉnh và cố định theo bộ khung mới. Nhược điểm của phương pháp này là để lại vết sẹo mổ khá lớn và thời gian nằm viện kéo dài.
- Phương pháp Nuss: bác sĩ sẽ đưa ống nội soi qua hai vết mổ nhỏ hai bên thành ngực để quan sát bên trong, sau đó một thanh kim loại cong được đưa vào để nâng phần ngực lõm lên, thanh kim loại này sẽ được tháo bỏ khoảng 2-3 năm sau đó. Phương pháp này rất hiện đại, ít xâm lấn, ít tai biến và dần được thay thế phương pháp Ravitch.
- Phương pháp chuông chân không: ở những trẻ không thể phẫu thuật, bác sĩ có thể dùng thiết bị gọi là “Chuông chân không” để điều chỉnh hình dạng của lồng ngực. Chuông được đặt lên vùng ngực lõm của người bệnh sau đó hút hết không khí ra ngoài tạo môi trường chân không, điều này tạo ra một lực kéo đủ mạnh để kéo phần ngực bị lõm lên. Phương pháp này được thực hiện 2 giờ một ngày và trong khoảng 1-2 năm, không gây đau đớn hay tác dụng phụ.
Hình ảnh X quang trước và sau điều trị lõm lồng ngực
4. Các phương pháp chẩn đoán lõm lồng ngực
- Chụp x quang lồng ngực: với hai tư thế thẳng nghiêng giúp quan sát vị trí xương ức và xương sườn, từ đó xác định mức độ lõm của lồng ngực.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): đây được coi là kỹ thuật tốt nhất trong phát hiện và đánh giá mức độ lõm của lồng ngực. Hình ảnh chụp CT là các lát cắt ngang qua toàn bộ xương sườn, xương ức, nhu mô phổi, tim và mạch máu, chính vì thế bác sĩ có thể quan sát và đo đạc rất chi tiết, đồng thời xác định mức độ đè ép tim phổi của của xương ức và xương sườn. Để xác định mức độ lõm lồng ngực, các bác sĩ dựa vào chỉ số Haller (đường kính ngang lớn nhất chia đường kính trước sau nhỏ nhất), nếu chỉ số Haller ở mức 2,5 là bình thường, trên 3,2 là lõm ngực mắc độ nặng.
Hình ảnh chụp CT giúp đánh giá bệnh lý lõm lồng ngực rất hiệu quả
- Siêu âm tim: giúp xác định mức độ ảnh hưởng của bệnh lõm ngực đến chức năng của các cơ và van tim.
- Đo chức năng hô hấp: đánh giá chức năng của phổi bằng cách đo đạc thể tích khí tối đa mà người bệnh có thể hít vào và thở ra.
Khám sức khỏe định kỳ tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC
Nhằm mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho quý khách hàng về dịch vụ chẩn đoán hình ảnh công nghệ cao, trung tâm chẩn đoán hình ảnh Medlatec thuộc hệ thống y tế Medlatec đã trang bị máy chụp MRI GE 1.5 Tesla và máy chụp cắt lớp vi tính MSCT 128 dãy hiện đại do các hãng máy uy tín trên thế giới cung cấp. Bên cạnh đó, đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên tại Medlatec được đào tạo chuyên sâu tại các bệnh viện lớn của Việt Nam, rất giàu kinh nghiệm và luôn đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật khi thăm khám. Mọi chi tiết xin liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được tư vấn và đặt lịch khám!
KTV Nguyễn Thành Lộc