Phát hiện bé trai 8 tuổi bị bệnh Sarcoma xương đùi

Ngày 06/07/2023

Đầu tháng 7/2023, Phòng khám Đa khoa MEDLATEC Tây Hồ (số 99 Trích Sài, Hà Nội) tiếp nhận một bệnh nhân nam 8 tuổi, thường trú tại Bắc Ninh, đi khám do vùng xương đùi trái to ra bất thường.

Trước đây, cháu chưa hề có tiền sử bệnh lý gì về xương, mọi hoạt động vui chơi đều hoàn toàn bình thường. Gần đây, gia đình quan sát thấy vùng đầu gối trái của cháu to ra bất thường so với bên phải, ấn đau nhẹ nên đưa đến Phòng khám Đa khoa MEDLATEC Tây Hồ để kiểm tra.

Sau khi thăm khám, bác sĩ tư vấn chụp cắt lớp vi tính xương vùng đầu gối phát hiện khối đặc xương vị trí hành xương lồi cầu ngoài xương đùi trái kích thước 63 x 115mm, biến dạng lồi cầu ngoài xương đùi và xâm lấn phần mềm xung quanh. Sau đó, người bệnh được chỉ định chụp thêm cắt lớp vi tính phổi liều thấp thì phát hiện thêm nhiều nốt mờ nhỏ rải rác hai bên nhu mô phổi.

Kết quả chụp được chuyên gia tại Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh MEDLATEC hội chẩn và kết luận đây là bệnh lý Sarcoma xương đùi nghi ngờ có tổn thương thứ phát ở phổi. Bệnh nhân và người nhà được chuyên gia tư vấn chuyển lên bệnh viện tuyến Trung ương để tiến hành điều trị kịp thời. 

Một số hình ảnh minh họa:

Hình ảnh chụp CT đầu gối của người bệnh

Hình ảnh chụp X quang của bệnh nhân

Hình ảnh chụp CT phổi phát hiện các tổn thương thứ phát

1. Sarcoma xương là gì? Có nguy hiểm không?

Bệnh sarcoma xương hay còn gọi là u xương ác tính hoặc u xương tạo xương là một loại ung thư xương nguyên phát xuất phát từ các tế bào tạo xương, thay vì tạo ra xương mới thì các tế bào này lại phát triển mất kiểm soát tạo thành khối u ác tính. Bệnh có tần suất phát hiện cao ở trẻ em từ 9-19 tuổi. Khối u có thể xuất hiện ở bất kỳ xương nào trên cơ thể, hay gặp nhất là ở đầu dưới xương đùi và đầu trên xương chày, một số ít trường hợp gặp ở xương hàm, xương cánh chậu. 

Phân chia theo mô bệnh học thì ung thư xương gồm các loại:

- Osteosarcoma (sarcoma xương): có nguồn gốc từ tế bào gốc tạo xương, đây là dạng hay gặp nhất của ung thư xương

- Chondrosarcoma: ung thư sụn

- Ewing sarcoma: ung thư mô liên kết xương

Sarcoma xương là một bệnh lý vô cùng nguy hiểm, bệnh có thể gây tàn phế, mất chức năng vận động xương chi, có khả năng di căn rất nhanh sang các cơ quan lân cận gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, đe dọa tính mạng của người bệnh nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh có tỷ lệ phát hiện cao ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên nên các bậc phụ huynh cần chú ý đến các điểm bất thường trong hoạt động thường ngày của con, đồng thời đưa các cháu đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện các bệnh lý nguy hiểm.

2. Dấu hiệu nhận biết bệnh lý sarcoma xương

- Đau mỏi chân tay, hạn chế vận động chi bên tổn thương, các cơn đau tăng dần và lan sang các vùng lân cận

- Sưng tấy, cứng khớp, phù nề phần mềm xung quanh vị trí tổn thương

- Có thể nhìn hoặc sờ thấy khối u nổi lên, ấn cứng chắc và đau

- Gãy xương bệnh lý do khối u gây phá hủy xương

- Biến dạng xương, tư thế vận động bất thường

- Một vài triệu chứng khác thường gặp: sụt cân, sốt, chóng mặt, thường xuyên mệt mỏi

3. Giá trị của các phương pháp chẩn đoán hình ảnh trong chẩn đoán sarcoma xương

- Chụp X quang thường quy: đây là kỹ thuật đơn giản, nhanh chóng, dễ thực hiện nhưng có giá trị chẩn đoán rất tốt đối với các khối u xương. Chụp x quang thường được sử dụng đầu tiên khi có nghi ngờ các tổn thương xương, giúp phát hiện vị trí, kích thước, ranh giới của khối u, quan sát rất rõ nét phản ứng của màng xương, hình ảnh tạo xương hay tiêu xương. 

- Chụp cắt lớp vi tính (CT): phương pháp này có phần giống với chụp x quang nhưng hình ảnh chi tiết và sắc nét hơn rất nhiều, giúp quan sát tổn thương qua rất nhiều các lát cắt ngang cực mỏng, từ đó xác định được mức độ phá hủy (đặc xương, tiêu xương) trong xương, tủy xương và vỏ xương. Bên cạnh đó, chụp cắt lớp sẽ dễ dàng phát hiện được các tổn thương ung thư xương di căn ở phổi.

- Chụp cộng hưởng từ (MRI): đánh giá chính xác mức độ hoại tử, xâm lấn tổ chức phần mềm, mạch máu, thần kinh,... xung quanh khối u.

- Một số phương pháp chẩn đoán chuyên sâu khác có can thiệp: xạ hình xương bằng máy SPECT/CT, chụp PET/CT.

Hiện nay, Hệ thống Y tế MEDLATEC đã trang bị đầy đủ hệ thống trang thiết bị hiện đại giúp ích rất nhiều trong tầm soát và chẩn đoán nhiều bệnh lý khác nhau. Các cơ sở khám chữa bệnh chất lượng cao của MEDLATEC tại Hà Nội:

Cơ sở 1: 42-44 Nghĩa Dũng, Ba Đình, Hà Nội 

Cơ sở 2: 99 Trích Sài, Tây Hồ, Hà Nội

Cơ sở 3: 5 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội

Quý khách hàng hãy đặt lịch trước để chủ động thời gian qua các hình thức dưới đây:

Tổng đài: 1900 56 56 56 hoặc 0846 248 000

Website: https://medim.vn

Email: info@medim.vn

Tải ứng dụng y tế MyMedlatec để quản lý sức khỏe tại: https://mymedlatec.medon.vn/app


Bài viết cùng chuyên mục