Phát hiện khối nang dịch bẩm sinh vùng hàm mặt ở bệnh nhân nhỏ tuổi

Ngày 26/09/2023

Các bệnh lý bẩm sinh ở trẻ rất đa dạng và vô cùng phức tạp, có những bệnh rất dễ phát hiện nhưng cũng không ít trường hợp bệnh không thể phát hiện ra do không có triệu chứng hay dấu hiệu nhận biết nào.

Trường hợp phát hiện khối nang dịch bẩm sinh vùng hàm mặt tại MEDLATEC

Điển hình như trường hợp của cháu T.T.P 12 tuổi có địa chỉ tại Bắc Hà- Lào Cai đi khám vì sờ thấy khối mềm di động vùng dưới hàm bên trái, ấn đau nhẹ, không sốt, ăn uống và nói chuyện hoàn toàn bình thường. Bố mẹ cháu cho biết khối này đã xuất hiện từ nhiều năm và tăng dần kích thước, tuy nhiên gia đình không đưa đi khám do cháu không cảm thấy đau đớn hay ảnh hưởng đến sinh hoạt và học tập.

Tháng 7/2023, bố mẹ đưa cháu đến bệnh viện đa khoa Medlatec cơ sở 1 (số 42-44 Nghĩa Dũng - Ba Đình- Hà Nội) để thăm khám, tại đây cháu P được chỉ định chụp cộng hưởng từ hàm mặt-cổ có tiêm chất tương phản. Hình ảnh chụp Mri sau đó phát hiện khối dạng dịch vùng dưới hàm trái, kích thước 26x53x56 mm, thành mỏng, không thấy nụ sùi, dịch tương đối đồng nhất, bên trong không có vách, không có thâm nhiễm xung quanh.

Các bác sĩ tại trung tâm chẩn đoán hình ảnh Medlatec nghi ngờ đây là khối nang khe mang type 2 (một loại nang mô mềm ít gặp của vùng hàm mặt). Bệnh nhân sau đó được chuyển sang bệnh viện răng hàm mặt trung ương để tiến hành điều trị.

Khối nang dịch vùng hàm mặt trên hình ảnh chụp MRI của BN T.T.P

Có thể thấy khối nang dịch đã xuất hiện từ vài năm trước tuy nhiên do sự chủ quan của gia đình nên đã không đưa cháu đi thăm khám, bên cạnh đó cháu P không hề cảm thấy đau hay ảnh hưởng đến sinh hoạt, khối nang dịch cũng to lên rất chậm nên đã dễ dàng bị bỏ qua. Qua đây, các bậc phụ huynh cần quan tâm chú ý hơn đến các bất thường dù là nhỏ nhất của con em mình, tránh tâm lý chủ quan hoặc tự mua thuốc điều trị không đúng tại nhà sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Hình ảnh chụp MRI sau điều trị loại bỏ hoàn toàn khối nang dịch

Nang khe mang là gì?

Nang khe mang là những túi nhỏ chứa dịch giống như các cục u dưới da ở một bên cổ, đây là một dị tật bẩm sinh có nguồn gốc từ sự phát triển bất thường của bộ mang trong quá trình biệt hóa hình thành các cơ quan vùng đầu mặt-cổ trong thời kỳ phôi thai. Phân loại theo vị trí thì nang khe mang có 4 loại, chủ yếu gặp trên lâm sàng là nang khe mang thứ nhất (4%) và nang khe mang thứ hai (94%), còn lại rất hiếm khi gặp nang khe mang thứ ba và thứ tư.

nang khe mang type 2

Phân loại nang khe mang theo vị trí

Nang khe mang có tính chất lành tính, không xâm lấn, tuy nhiên khuyến cáo của các chuyên gia là phẫu thuật loại bỏ khối nang dịch để ngăn ngừa nhiễm trùng và các biến chứng về đường thở hay khó chịu trong ăn uống. Rất hiếm gặp trường hợp u nang khe mang tái phát hay xuất hiện tại vị trí khác.

Dấu hiệu nghi ngờ mắc nang khe mang

Nang khe mang thường không gây ra triệu chứng lâm sàng nào, đặc biệt là khi mới xuất hiện do kích thước khối u nang còn nhỏ, khi kích thước khối nang dịch to lên, người bệnh có thể cảm thấy một vài dấu hiệu sau đây:

  • Nhìn hoặc sờ thấy khối u nang dịch dưới da vùng cổ, ấn không đau
  • Khối sưng đau vùng cổ khi người bệnh bị nhiễm trùng đường hô hấp trên, khối nang dịch có thể lớn hơn khi bị nhiễm trùng và co lại khi ở trạng thái bình thường
  • Có thể xuất hiện lỗ rò thứ phát bên ngoài do nang nhiễm trùng tự vỡ hoặc do nặn, chích hút
  • Gặp khó khăn khi nuốt thức ăn do bị khối nang dịch chèn ép, đè đẩy

nang khe mang type 2

Dấu hiệu điển hình cảnh báo mắc nang khe mang

Các phương pháp chẩn đoán nang khe mang

  • Siêu âm: do các khối nang dịch đều nằm ngay dưới da nên có thể đặt đầu dò siêu âm trực tiếp lên và quan sát về kích thước, ranh giới và thành phần dịch bên trong. Ưu điểm của kỹ thuật này là đơn giản, an toàn, không gây đau đớn, chi phí thăm khám rẻ nhưng đem lại hiệu quả chẩn đoán rất tốt.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): phương pháp này sử dụng tia X quét qua cơ thể để thu nhận tín hiệu ảnh, sau đó tái tạo bằng phần mềm máy tính để cho ra hình ảnh ba chiều về mô mềm và xương ở vùng đầu mặt- cổ. Trên hình ảnh CT, khối nang dịch có hình tròn hoặc hình cầu, đường viền rõ nét, tỷ trọng dịch đồng nhất, sau tiêm cản quang ngấm thuốc kém.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): kỹ thuật này sử dụng sóng điện từ trường để tạo tín hiệu ảnh nên không hề gây đau đớn hay độc hại đối với cơ thể người bệnh. Hơn thế, chụp MRI cho ra chất lượng hình ảnh cực kỳ sắc nét, độ tương phản mô mềm rất tốt, vì thế rất thích hợp trong phát hiện và chẩn đoán các tổn thương phần mềm, mạch máu, cơ, thần kinh. Chụp MRI giúp xác định vị trí rò, kích thước, ranh giới và xâm lấn lân cận của khối nang dịch, đồng thời giúp chẩn đoán phân biệt với các tổn thương khác của vùng đầu mặt- cổ.

Người bệnh khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ bệnh lý có thể đến ngay các cơ sở khám chữa bệnh chất lượng cao của Medlatec tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác (Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa,...) để được trải nghiệm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất hiện nay. Tại hệ thống MEDLATEC đã trang bị đầy đủ hệ thống máy siêu âm tiên tiến, máy chụp MSCT đa dãy và máy chụp cộng hưởng từ 1.5Tesla hiện đại của Mỹ, giúp ích rất nhiều trong tầm soát và chẩn đoán nhiều bệnh lý khác nhau. 

KTV Nguyễn Thành Lộc


Bài viết cùng chuyên mục