Phát hiện khối u xương sụn vị trí cẳng tay ở một bệnh nhân nhỏ tuổi

Ngày 23/10/2023

Một bệnh nhân nam 12 tuổi xuất hiện khối sưng cứng vùng cẳng tay trái khoảng 2 năm nay. Khối có tăng nhẹ kích thước nhưng cháu không cảm thấy đau nhức hay ảnh hưởng đến vận động khớp cổ tay.

Thời gian gần đây, cháu bị ho nhiều, sốt nhẹ, đau rát họng nhiều nên gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC (số 42 Nghĩa Dũng, Hà Nội) để tiến hành kiểm tra. Tại đây, cháu được khám và nội soi tai mũi họng, kết quả không có gì đáng ngại, bệnh nhân chỉ bị quá phát VA nhẹ và viêm mũi dị ứng. Tuy nhiên, bác sĩ chú ý đến khối bất thường vùng cẳng tay của cháu và tư vấn gia đình kiểm tra thêm. Cháu được chụp X quang cẳng tay trái và phát hiện vị trí bờ trong 1/3 dưới xương quay có hình ảnh chồi xương vỏ liên tục với vỏ xương, bờ không đều, có đẩy lồi phần mềm lân cận.

Để chẩn đoán chính xác hơn, đồng thời phân biệt với các tổn thương khác, cháu tiếp tục được chụp cộng hưởng từ phần mềm cẳng tay trái. Hình ảnh chụp MRI sau đó cho thấy tổn thương phát triển lồi ra khỏi bề mặt thân xương, kích thước 18x21x42 mm, ống tủy xương còn liên tục.

Sau khi hội chẩn, các chuyên gia Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh MEDLATEC kết luận đây là khối u xương sụn (Osteochondroma) vị trí 1/3 dưới xương quay trái.

Có thể thấy các dấu hiệu cảnh báo của một khối u bất thường vị trí cẳng tay đã xuất hiện cách đó khá lâu nhưng có thể do cháu không thấy đau đớn hoặc hạn chế vận động nên gia đình có tâm lý chủ quan không đưa cháu đi kiểm tra. Rất may mắn, khối u xương sụn thường là khối u xương lành tính (không phải ung thư) và không ảnh hưởng đến sự phát triển của xương. Tuy nhiên, gia đình cần theo dõi và cho cháu đi kiểm tra định kỳ.

Một số hình ảnh minh họa:

Hình ảnh chụp X quang phát hiện khối u xương vị trí 1/3 dưới cẳng tay

Hình ảnh chụp MRI phần mềm cẳng tay của bệnh nhân

U xương sụn là gì?

U xương sụn (Osteochondroma) hình thành do sự quá phát của sụn và xương ở đầu các xương, gần với sụn tăng trưởng (sụn tiếp hợp), loại u này có vỏ liên tục với xương bình thường, tức là có cùng một khoang rỗng chứa tủy xương. Bệnh hay gặp ở các xương dài (đùi, cẳng chân, cánh tay, cẳng tay,...) và một số trường hợp xuất hiện ở xương bả vai, xương cánh chậu. U xương sụn là khối u xương lành tính phổ biến nhất hiện nay, chiếm khoảng 3% dân số và 10% các khối u xương, hay gặp trong độ tuổi từ 10-25 tuổi và thường được phát hiện tình cờ khi đi kiểm tra sức khỏe.

Sụn tăng trưởng hay tấm tăng trưởng là phần sụn nằm ở đầu các xương dài ở trẻ em và thanh thiếu niên, các sụn này không ngừng phát triển và cốt hóa để tăng thêm chiều dài và chiều rộng của xương cho đến khi trưởng thành.

Nguyên nhân gây ra u xương sụn

Nguyên nhân dẫn đến u xương sụn cho đến nay vẫn chưa được xác định rõ, một vài nghiên cứu gần đây chỉ ra bệnh lý này có liên quan đến đột biến trong quá trình hình thành chức năng của gen EXT-1 và EXT-2 nằm trên nhiễm sắc số 8 và 11. Một vài nguyên nhân khác được đưa ra gồm có yếu tố di truyền, tia bức xạ và một vài loại thuốc ảnh hưởng đến phát triển sụn ở trẻ.

Triệu chứng ở người mắc u xương sụn

Ở trạng thái bình thường, phần lớn u xương sụn không gây ra bất kỳ triệu chứng nào và thường được phát hiện tình cờ. U xương sụn có đặc điểm là các khối u cứng nằm cạnh xương, không gây đau và không di chuyển, có thể gặp ở tất cả các xương nhưng hay xuất hiện tại các xương chi (chân, tay). Khi lớp bao hoạt dịch bao phủ khối u sụn bị viêm hoặc các cơ lân cận bị đè ép có thể gây đau nhức, điều này nhận thấy rõ khi người bệnh vận động mạnh.

Một vài biến chứng có thể gặp ở người mắc u xương sụn là gãy xương, biến dạng xương, các khối u nằm cạnh dây thần kinh và mạch máu gây chèn ép làm các chi tương ứng bị tê, yếu, thay đổi màu sắc da, thiếu máu cục bộ.

Phương pháp chẩn đoán u xương sụn

  • Chụp x quang: phương pháp này luôn được lựa chọn đầu tiên khi có nghi ngờ tổn thương xương. Hình ảnh chụp x quang giúp quan sát rõ nét các bất thường về vỏ xương, gãy xương và biến dạng xương.
  • Siêu âm: kỹ thuật này giúp đánh giá tổn thương về cơ, sụn, phần mềm, mạch máu xung quanh vị trí u xương sụn, tuy nhiên không quan sát được thành phần bên trong khối u xương và tủy xương do sóng siêu âm không thể truyền qua xương.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): hình ảnh CT là các lát cắt ngang qua vùng tổn thương giúp cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin về vị trí, kích thước, thành phần, mức độ xâm lấn và phá hủy của các tổn thương xương. 
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): đây là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh tốt nhất trong phát hiện và đánh giá tổn thương tủy xương, sụn, phần mềm, mạch máu, thần kinh. Việc tiêm thuốc đối quang từ gadolinium sẽ giúp quan sát rõ nét hơn về tính chất lành tính hay ác tính của u và phân biệt với các tổn thương khác.

Tiên lượng và điều trị u xương sụn

Do có tính chất lành tính nên hầu hết trường hợp mắc u xương sụn chỉ cần theo dõi bằng x quang nếu không xuất hiện triệu chứng nghiêm trọng nào, tỷ lệ khối u tiến triển thành ung thư cực kỳ thấp (dưới 1%). Với các khối u có kích thước lớn hoặc gây biến dạng xương, chèn ép thần kinh, mạch máu và các cơ lân cận khiến người bệnh gặp phải các vấn đề khi vận động sẽ được khuyến cáo phẫu thuật loại bỏ khối u. Việc phẫu thuật không được khuyến khích ở bệnh nhân nhỏ tuổi vì có thể làm ảnh hưởng đến sụn tăng trưởng và dễ tái phát khi lớn lên.

Nhằm mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho quý khách hàng về dịch vụ chẩn đoán hình ảnh công nghệ cao, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh MEDLATEC thuộc Hệ thống y tế MEDLATEC đã trang bị máy chụp máy chụp MRI GE 1.5 Tesla và máy Chụp cắt lớp vi tính MSCT 128 dãy hiện đại do các hãng máy uy tín trên thế giới cung cấp. Bên cạnh đó, đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên tại MEDLATEC được đào tạo chuyên sâu tại các bệnh viện lớn của Việt Nam, rất giàu kinh nghiệm và luôn đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật khi thăm khám. Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được giải đáp! 

 

KTV Nguyễn Thành Lộc

 


Bài viết cùng chuyên mục