Sưng đau vùng tai phải nhiều ngày, người đàn ông bất ngờ phát hiện mắc khối u hiếm gặp tuyến mang tai

Ngày 14/09/2023

Một bệnh nhân nam 64 tuổi có triệu chứng sưng đau vùng mang tai bên phải nhiều tháng liền nhưng không đi thăm khám hay điều trị tại các cơ sở y tế. Thời gian gần đây, anh C cảm thấy khối mang tai sưng to hơn và cảm thấy rất đau khi nói hay khi nhai, người nhà cũng nhiều lần khuyên đi kiểm tra nhưng anh C nghĩ rằng đây chỉ là khối hạch viêm tuyến nước bọt thông thường nên tự mua thuốc điều trị tại nhà. Đến khi xuất hiện các triệu chứng đau nửa mặt bên phải và không thể nhai hay nói một cách bình thường, bệnh nhân mới đi chụp cộng hưởng từ tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC (số 42 Nghĩa Dũng- Ba Đình- Hà Nội) thì bất ngờ phát hiện khối u lớn vùng mang tai phải. Trên hình ảnh chụp cộng hưởng từ, tuyến nước bọt mang tai phải tăng kích thước, nhu mô có khối kích thước 27x25x18 mm, tăng tín hiệu, sau tiêm thuốc đối quang từ ngấm mạnh, không xâm lấn cơ và phần mềm lân cận. Sau khi hội chẩn với các chuyên gia tại Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh MEDLATEC (MEDIM), các bác sĩ kết luận đây là khối u tuyến nước bọt mang tai phải dạng đa hình (Pleomorphic adenoma)- một dạng u tuyến lành tính rất hiếm gặp.

Hình ảnh chụp cộng hưởng từ của bệnh nhân

1. U tuyến đa hình là gì?

U tuyến đa hình (Pleomorphic Adenoma) là một khối u tuyến lành tính do sự tăng sinh bất thường của các tế bào biểu mô và tế bào cơ biểu mô nên còn được biết với tên gọi khác là u hỗn hợp lành tính, tuy nhiên các nghiên cứu gần đây cho thấy bản chất trong khối u vẫn là tế bào biểu mô nên tên gọi này không còn phù hợp. Khối u tuyến đa hình thường đơn độc, phát triển chậm, không đau, khi đạt kích thước lớn có thể gây chèn ép dây thần kinh mặt, mặc dù lành tính nhưng khối u có khả năng tái phát sau điều trị, các khối u lớn không được phẫu thuật hoàn toàn có khả năng tiến triển thành ác tính (ung thư biểu mô tuyến đa hình -Carcinoma ex Pleomorphic Adenoma).

U tuyến đa hình là bệnh lý khá hiếm gặp, chiếm chưa đến 3% các khối u ở đầu và cổ, khối u chủ yếu gây bệnh ở tuyến mang tai (85% trường hợp), tuyến dưới hàm (5% trường hợp), tuyến nước bọt khác (10% trường hợp). Đối tượng nào cũng có nguy cơ mắc u tuyến đa hình, tuy nhiên hay gặp nhất ở phụ nữ trong độ tuổi từ 30-40. 

Các tuyến nước bọt ở người

Nguyên nhân gây ra u tuyến đa hình cho đến nay vẫn chưa được xác định cụ thể, một vài nghiên cứu chỉ ra rằng những người trong độ tuổi từ 30-40 nếu có tiền sử xạ trị hay thường xuyên làm việc với các nguồn phóng xạ có nguy cơ rất cao mắc bệnh lý này. Một vài nguyên nhân khác bao gồm: người hút thuốc lá, lạm dụng bia rượu, chế độ ăn giàu cholesterol, người hay tiếp xúc với hóa chất độc hại.

2. Triệu chứng ở người mắc u tuyến đa hình

U tuyến đa hình kích thước nhỏ thường không có triệu chứng điển hình, khi phát triển đến kích thước lớn và chèn ép các cơ quan lân cận thì lúc đó bệnh nhân sẽ cảm thấy một số triệu chứng sau:

  • Sưng vùng da ở vị trí u, sờ thấy khối cứng vùng tuyến mang tai, tuyến dưới hàm,...
  • Nghe kém, suy giảm thính lực
  • Khó nhai, rối loạn nuốt
  • Liệt hoặc yếu cơ một bên mặt

 3. Các phương pháp chẩn đoán u tuyến đa hình

- Siêu âm: các khối u tuyến có thể quan sát rất rõ trên siêu âm, thường là các khối giảm âm và có tăng âm phía sau, tuy nhiên với các khối u có kích thước lớn rất khó đánh giá do bị che lấp bởi các bộ phận khác. Siêu âm cũng rất hữu ích trong việc hướng dẫn sinh thiết (FNA).

- Chụp cắt lớp vi tính (CT): khối u tuyến đa hình trên hình ảnh chụp cắt lớp vi tính có đặc điểm là khối giảm tỷ trọng, sau tiêm thuốc cản quang ngấm kém, có thể có ổ hoại tử bên trong u. Chụp CT giúp xác định rõ ràng về ranh giới, vị trí và kích thước của khối u tuyến, chụp CT cũng đánh giá rất tốt về sự xâm lấn xương. Ưu điểm của phương pháp này là đơn giản, thời gian chụp nhanh, không gây đau đớn và ít ảnh giả, hình ảnh có độ sắc nét và chi tiết rất tốt.

 

Hình ảnh chụp CT phát hiện khối u tuyến đa hình vùng mang tai

- Chụp cộng hưởng từ (MRI): trên hình ảnh MRI, khối u tuyến có tín hiệu đồng nhất (tăng trên T2 và có viền giảm âm, giảm trên T1), sau tiêm thuốc đối quang từ ngấm mạnh. Chụp MRI giúp tầm soát, phát hiện và xác định chính xác về vị trí, ranh giới, kích thước, mức độ chèn ép các cơ quan lân cận (mạch máu, dây thần kinh, mô mềm,...) của khối u. Ưu điểm của phương pháp này là không gây nhiễm xạ, cực kỳ an toàn, hình ảnh có độ tương phản mô mềm rất cao, có thể nói là tốt nhất trong các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện nay.

- Sinh thiết: các bác sĩ tiến hành lấy mẫu tế bào của khối u tuyến bằng kim nhỏ hoặc kim sinh thiết để làm mô bệnh học, đây là phương pháp xâm lấn có độ chính xác khá cao (90%) và giúp phân biệt với các loại u khác của sọ não.

4. Điều trị u tuyến đa hình như thế nào?

Phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn khối u là phương pháp điều trị tốt nhất cho người mắc u tuyến đa hình, tuy nhiên cần xem xét thật kỹ lưỡng làm sao để bảo toàn đến mức tối đa các cấu trúc giải phẫu lân cận. Các khối u lớn thường rất gần các mạch máu lớn và dây thần kinh, chính vì thế việc phẫu thuật cần được tiến hành tại các cơ sở y tế chất lượng cao, máy móc hiện đại. Trong trường hợp không thể phẫu thuật, xạ trị sẽ được chỉ định để làm giảm kích thước và mức độ chèn ép của khối u, giúp người bệnh giảm bớt các triệu chứng.

Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh MEDLATEC

Nhằm mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho quý khách hàng về dịch vụ chẩn đoán hình ảnh công nghệ cao, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh MEDLATEC thuộc Hệ thống y tế MEDLATEC đã trang bị máy chụp X quang kỹ thuật số (DR), máy chụp MRI GE 1.5 Tesla và máy chụp cắt lớp vi tính MSCT 128 dãy hiện đại do các hãng máy uy tín trên thế giới cung cấp. Bên cạnh đó, đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên tại MEDLATEC được đào tạo chuyên sâu tại các bệnh viện lớn của Việt Nam, rất giàu kinh nghiệm và luôn đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật khi thăm khám. Mọi chi tiết xin liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được tư vấn và đặt lịch khám!

KTV Nguyễn Thành Lộc

 


Bài viết cùng chuyên mục